Thu nhập bình quân tháng trong quý III năm 2022 của người lao động là 6,7 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 30,1%.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế đã giúp cho thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng từ quý I đến quý III năm 2022.

Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm nay là 6,7 triệu đồng, tăng 143 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng (tương đương 30,1%) so với cùng kỳ năm trước.


Thu nhập bình quân tháng của lao động quý III giai đoạn 2019-2022 và quý II, III năm 2022. Ảnh: Tổng cục Thống kê

Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,7 triệu đồng, tăng 182 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,7 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Đối với lao động nữ, thu nhập bình quân tháng là 5,7 triệu đồng, tăng 88 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê lý giải, trong các năm trước, thu nhập bình quân của người lao động ở quý II thường giảm so với quý I do các khoản thưởng Tết Nguyên đán, chi trả lương tháng thứ 13 được thực hiện vào những tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong năm 2022, thu nhập của người lao động ở quý I vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-10 nên mức tăng quý này chưa cao như mọi năm. Bởi vậy, sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế trong những quý sau đã giúp thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng trong hai quý, “trái ngược với xu thế thường thấy của các năm trước” - theo Báo cáo.

Khi thống kê theo khu vực, lao động ở thành thị có thu nhập bình quân tháng là 8,2 triệu đồng, tăng 166 nghìn đồng so với quý trước và tăng 2,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lao động khu vực nông thôn có thu nhập bình quân tháng là 5,9 triệu đồng, tăng 125 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,2 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

So với các vùng khác, thu nhập bình quân người lao động vùng Đông Nam Bộ được cải thiện nhiều nhất, đạt 8,6 triệu đồng trong quý III. Nếu so với cùng kỳ năm trước, thu nhập của người dân nơi đây đã tăng gần 3 triệu đồng (tăng 53,0%) và cao hơn 640 nghìn đồng (cao hơn 8,0%) so với mức thu nhập của cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa có đại dịch). Trong đó, lao động làm việc tại TPHCM có mức tăng thu nhập bình quân cao nhất, đạt 9,2 triệu đồng (tăng 3,5 triệu đồng, tương ứng 60,3%) so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, thu nhập của người dân tăng ổn định. Trong đó, thu nhập bình quân người lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng là 7,9 triệu đồng, tăng 2,9% so với quý trước; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 6,0 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,1% so với quý trước.

Về lực lượng lao động, quý III năm nay đã ghi nhận số người lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,9 triệu, tăng hơn 200 nghìn người so với quý trước và đặc biệt tăng gần 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý III năm 2021.

Bên cạnh đó, tình hình thất nghiệp của người lao động tiếp tục giảm. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là gần 1,06 triệu người, giảm 13,9 nghìn người so với quý trước và đặc biệt giảm 658,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp trong quý III năm nay là 2,28%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,70 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2022