Trong vòng ít tháng qua, hàng loạt hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra liên tục tại Việt Nam đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản…

Quảng Ninh phải hứng chịu lượng mưa vượt quá cả trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008.
Quảng Ninh phải hứng chịu lượng mưa vượt quá cả trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008. Ảnh: Hoàng Anh Tuấn
Ngày 6/7/2015, Sapa, vùng đất du lịch nổi tiếng phía Bắc đột ngột rét kỷ lục trong mùa hè khi nhiệt độ chỉ còn 12,7 độ C. Kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 7 tại Sapa chỉ là 14,9 độ C vào năm 1971.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, đây là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử. “Sau đợt nắng nóng đỉnh điểm bỗng có ngay rét kỷ lục giữa mùa hè. Diễn biến thời tiết ngày càng khó lường”, ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng thời tiết bất thường duy nhất xảy ra trong thời gian qua tại Việt Nam. Từ tháng 5/2015 đến đầu tháng 7/2015, Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ, Trung bộ liên tục xảy ra 3 đợt nắng nóng với nền nhiệt nhiều nơi vượt kỷ lục vốn tồn tại nhiều năm trong lịch sử.

Những đợt nắng nóng này góp phần khiến cho năm 2015 dự kiến sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử trên bình diện toàn cầu. Đây chính là dự đoán được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa ra vào ngày 15/6.

Không chỉ có nắng nóng, ngày 13/6, cơn “siêu giông” với sức mạnh không thua gì một cơn bão đã tràn qua Hà Nội, lấy đi sinh mạng của 2 người và gây thiệt hại lớn về tài sản cho thủ đô. Cũng theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, cơn giông chớp nhoáng và có sức gió giật lên đến cấp 9 như thế là cực kỳ hiếm gặp.

Nghiêm trọng nhất là tình hình mưa lũ. Chỉ trong vòng ba ngày 23-25/7, Quảng Ninh phải hứng chịu lượng mưa vượt quá cả trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008 và xô đổ hàng loạt kỷ lục thời tiết.

Chỉ sau ba ngày đầu tiên đó, ước tính thiệt hại đã lên đến hơn 1000 tỷ đồng, 23 người chết hoặc mất tích và gần 4000 ngôi nhà bị ngập lụt. Mưa lũ dài ngày tại vùng than lớn nhất cả nước gây ảnh hưởng đến việc khai thác than, cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.

Trong khi đó, một ngành kinh tế mũi nhọn khác của Quảng Ninh là du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Con số thiệt hại do mưa lũ tiếp tục tăng nhanh khi những đợt mưa lũ liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương khác tại miền Bắc. Từ đêm 31/7 đến ngày 1/8, nhiều nơi ở miền Bắc như tại Lai Châu, Điện Biên, Nam Định, Bắc Giang… tiếp tục mưa to gây ngập lụt và thiệt hại về người, tài sản.

Việt Nam không phải là nước duy nhất hứng chịu “cơn giận” của thiên nhiên. Đợt lũ lụt cuối tháng 7, đầu tháng 8 nằm trong thảm họa chung của hàng loạt nước Nam Á và Đông Nam Á. Người dân Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Nepal đều đang hứng chịu những trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử.

Chỉ riêng tại 4 bang Tây Bengal, Gujarat, Rajasthan và Odisha của Ấn Độ đã có tới 180 người thiệt mạng do lũ lụt trong những ngày qua.

Hàng loạt các quốc gia trên thế giới như Anh, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ… đều phải hứng chịu những đợt nóng khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử.

Cuối tháng 7 vừa qua, tại Thượng Hải (Trung Quốc), nhiệt độ đạt 40,6 độ C vượt qua kỷ lục 40,2 độ C tồn tại gần một thế kỷ. Cái nóng trên 50 độ C kéo dài trong tháng 5 và tháng 6 cũng khiến gần 4.000 người chết tại Pakistan và Ấn Độ.

Không phải ngẫu nhiên các kỷ lục bị xô đổ một cách liên tục và dồn dập. Điều chúng ta chứng kiến trùng với một trong những biểu hiện quan trọng nhất của biến đổi khí hậu: các chỉ số thời tiết và sức tàn phá của các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục lập kỷ lục mới với tần suất ngày càng cao. Rõ ràng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trên toàn thế giới.