Cuộc thi cho phép sinh viên hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm nguyên mẫu, giúp phá bỏ những rào cản về thái độ, hạ tầng kiến trúc, công nghệ giao tiếp, và học tập trên môi trường ảo đối với người khuyết tật.

Sinh viên từ tất cả các ngành đều có thể tham gia cuộc thi ADC 2023. Ảnh: RMIT
Sinh viên từ tất cả các ngành đều có thể tham gia cuộc thi ADC 2023. Ảnh: RMIT

Cuộc thi Accessibility Design Competition (ADC) do Đại học RMIT Việt Nam tổ chức diễn ra từ tháng 4-6/2023.

Quy mô của cuộc thi năm nay được mở rộng, không chỉ dành cho sinh viên Việt Nam mà còn cả sinh viên từ Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương.

Mục đích là kiếm những ý tưởng sáng tạo cho phép người khuyết tật ở mọi hình thức - bao gồm khuyết tật về thể chất, giác quan và nhận thức - tiếp cận, thực hiện và vượt trội trong môi trường làm việc.

Thảo luận về chủ đề này, anh Nguyễn Tuấn Tú, cựu sinh viên khiếm thị của Đại học RMIT Việt Nam, đồng thời là cố vấn cuộc thi năm đầu tiên, cho biết có rất nhiều thách thức và khó khăn mà người khuyết tật đang gặp phải khi tìm việc làm.

“Hầu hết thời gian, nhà tuyển dụng thường thiếu nhận thức và hiểu biết về năng lực làm việc của người khuyết tật. […] Cuộc thi là một trong những dịp hiếm hoi lấy vấn đề này làm trọng tâm, đồng thời nỗ lực tìm giải pháp từ chính sinh viên và đối tác trong ngành”, anh nói.

Sinh viên từ tất cả các ngành đều có thể đăng ký thi theo đội 3 người. Họ sẽ được trang bị kiến thức về cuộc sống của người khuyết tật trong suốt cuộc thi.

Các ý tưởng dự thi cần giải quyết 1 trong 4 rào cản đối với người khuyết tật trong công việc và việc làm, bao gồm: rào cản thái độ, rào cản hạ tầng kiến trúc, rào cản công nghệ giao tiếp, và rào cản về học tập và phát triển trên môi trường ảo.

Ở vòng 1, các đội nộp hồ sơ mô tả những giải pháp muốn phát triển và thể hiện sự hiểu biết của mình về các rào cản với người khuyết tật đang được thảo luận. Ban tổ chức sẽ chọn 25 đội vào vòng tiếp theo.

Ở vòng 2, mỗi đội có cơ hội làm quen với các đối tác trong các ngành công nghiệp khác nhau và đề xuất ba đối tác mà họ muốn làm việc cùng. Các đội sẽ có thời gian làm việc với đối tác của mình và tham gia các buổi hội thảo, cố vấn để bồi đắp kỹ năng thiết kế sáng tạo và thuyết phục. Có 12 đội được chọn vào vòng tiếp theo.

Ở vòng 3, các đội phải biến ý tưởng của họ thành một nguyên mẫu hoặc thiết kế khả thi với thông tin cụ thể về chi phí, biện pháp tích hợp sản xuất, phương pháp tiếp cận kỹ thuật, và thể hiện trực quan với người dùng tiềm năng. Có 6 đội được chọn vào vòng tiếp theo.

Ở vòng chung kết, các đội sẽ thuyết trình ý tưởng của mình về thiết kế/nguyên mẫu trước hội đồng giám khảo.

Cuộc thi nhận đơn đăng ký đến ngày 9/5/2023.

Đây là lần thứ 3 cuộc thi được tổ chức. Năm 2022, 74 đội sinh viên tham gia cuộc thi đã làm việc với 35 đối tác trong các ngành công nghiệp. Kết quả, Giải nhất thuộc về đội Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) với sản phẩm "Handtalk" - ứng dụng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu sang giọng nói có độ chính xác 92%.

Giải nhì và giải ba thuộc về đội của Đại học RMIT Việt Nam với hai sản phẩm lần lượt là ứng dụng hỗ trợ ghi chú độc lập và chương trình phát triển tài năng giúp cải thiện thu nhập cho những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD.


Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có 7% dân số là người khuyết tật, tương đương 6,2 triệu người, và chỉ có 31% trong số này có việc làm.

Mặc dù người khuyết tật có thể đóng góp rất nhiều cho các mục tiêu của tổ chức theo nhiều cách khác nhau, nhưng họ vẫn có thể bị cản trở trong công việc và cuộc sống do không nhận được sự đồng cảm hoặc không có sự hỗ trợ phù hợp.