Techfest 2022 tập trung tìm kiếm giải pháp cho các lĩnh vực chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19 và có tiềm năng trong tương lai như y tế, giáo dục, năng lượng…

Ngày 25/11, Bộ KH&CN đã tổ chức họp báo sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam 2022.

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới”, Techfest 2022 hướng tới tìm kiếm giải pháp cho các lĩnh vực chịu nhiều tác động của đại dịch và có tiềm năng trong tương lai như y tế, giáo dục, năng lượng…; đồng thời giải quyết các vấn đề con người như đào tạo bồi dưỡng nhân lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, góp phần giải quyết công ăn việc làm; và đặc biệt tập trung vào nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế hậu đại dịch và ứng dụng công nghệ để xử lý các khó khăn hậu COVID-19.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu trong họp báo. Nguồn: MOST
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi họp báo. Nguồn: MOST

Có thể thấy, mục tiêu này đã được theo đuổi qua các hoạt động xoay quanh Techfest 2022 do Bộ KH&CN triển khai từ đầu năm. “Trước khi diễn ra Techfest quốc gia - dịp tổng kết về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, ngay từ đầu năm, Bộ KH&CN đã phát động và tổ chức gần 20 sự kiện về Techfest ở các vùng, địa phương trải dài từ miền Bắc, miền Trung cho tới miền Nam,” Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu trong buổi họp báo. "Ngoài việc tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các địa phương đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp của cả nước, chúng tôi đánh giá các hoạt động này đã góp phần khơi dậy những ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước sau đại dịch."

Bên cạnh mục tiêu giải quyết những bài toán đặt ra sau đại dịch, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), cho biết, Techfest 2022 còn hướng đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở với ba trụ cột chính. “Trụ cột đầu tiên, nhà nước là khách hàng tiềm năng và đặt ra đề bài, sử dụng sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trụ cột thứ hai, các tập đoàn và doanh nghiệp tiếp tục đưa ra bài toán, tìm kiếm sáng kiến và khách hàng - đồng thời là người đồng hành, cố vấn, nhà đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở trụ cột thứ ba, đổi mới sáng tạo tập trung vào giải quyết các vấn đề xã hội: biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe, trẻ em, người già, phụ nữ, phát triển bền vững…”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Sau chuỗi hoạt động Techfest vùng, địa phương diễn ra từ đầu năm đến nay, sự kiện lớn nhất là Techfest quốc gia sẽ được tổ chức vào ngày 2-4/12/2022 tại Bình Dương. Do không còn hạn chế đi lại vì đại dịch COVID-19, số lượng các đối tác nước ngoài tham dự Techfest năm nay dự kiến tăng hơn nhiều so với năm 2021. Số 20 làng công nghệ trong Techfest cũng tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, vào khoảng 20 làng với 250 gian trưng bày các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Việc đăng cai tổ chức Techfest quốc gia là cơ hội lớn cho Bình Dương kết nối và thu hút các chuyên gia, nhà đầu tư; đồng thời tiếp cận với các tài năng khởi nghiệp. Đây cũng là dịp để chúng tôi quảng bá về cơ sở vật chất, hạ tầng hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang có ở địa phương nhằm thu hút các startup, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh”, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết.

Chương trình dự kiến thu hút hơn 8.000 khách tham dự đến từ các tỉnh thành trong cả nước và 20 quốc gia. Nhiều người trong số đó là những chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp hàng đầu trên thế giới và các trí thức người Việt ở nước ngoài. Tất cả sẽ cùng thảo luận những bài toán lớn của quốc gia tại gần 30 hội thảo, hội nghị chuyên đề về xu hướng công nghệ, kết nối đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình nhằm thích ứng và bứt phá sau đại dịch…

Một trong những sự kiện quan trọng nhất tại Ngày hội phải kể đến vòng chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là cuộc thi tìm kiếm các giải pháp, dịch vụ có hàm lượng công nghệ và đối mới sáng tạo cao, đối tượng tham gia là người Việt ở trong và ngoài nước. Sau 3 tháng tranh tài với các hoạt động đào tạo, tập huấn, kết nối với các chuyên gia trong và ngoài nước, 10 đội thi xuất sắc nhất đã được lựa chọn từ 500 hồ sơ để đi tiếp vào vòng chung kết. Đội chiến thắng có cơ hội nhận giải thưởng 500.000 USD và gói hỗ trợ đặc biệt sau chương trình từ đối tác của cuộc thi.

Techfest là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho các startup ở Việt Nam, được tổ chức lần đầu vào năm 2015 nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Kể từ năm 2016, chương trình đã trở thành hoạt động chính trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/5/2016.

Đến nay, Techfest Vietnam đã thu hút sự tham gia của 2.600 doanh nghiệp khởi nghiệp, 1.000 lượt khách đầu tư trong nước và quốc tế, và hơn 20.000 lượt khách.