Từ nay năm 2025, Việt Nam sẽ hỗ trợ, tập trung các nguồn lực và hướng dẫn để xây dựng 6 đô thị thông minh đại diện cho 6 vùng kinh tế. Sau đó sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng hệ thống đô thị thông minh ở Việt Nam.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chia sẻ tại hội thảo Đô thị thông minh - Hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức và Bộ Xây dựng tổ chức sáng 22/10 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại diễn dàn chiều 22/10. Ảnh: BTC.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại diễn dàn chiều 22/10. Ảnh: BTC.

Những thách thức của việc phát triển đô thị thông minh

Theo Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong những năm qua, hệ thống đô thị quốc gia của Việt Nam được phân bổ tương đối hợp lý. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ chất lượng sống của cư dân đô thị cũng được cải thiện cải thiện rõ rệt. Các đô thị đã thể hiện được vai trò động lực then chốt trong tăng trưởng và phát triển kinh tế các địa phương, các vùng ở cả nước. Tuy nhiên quá trình phát triển đô thị cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập lớn, ví dụ như phát triển chưa bền vững, chưa gắn kết với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, và phát triển nông thôn. Phát triển thiếu tính kết nối, thiếu bản sắc, tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông trong đô thị cũng diễn ra thường xuyên và phức tạp. Đây là những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia cũng như quy hoạch tổng thể đô thị quốc gia.

Vì vậy, nội dung phát triển đô thị thông minh của Việt Nam có 3 trụ cột chính là Quy hoạch và xây dựng đô thị thông minh; Quản lý đô thị thông minh và thực hiện các dịch vụ, tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; Cơ sở dữ liệu lớn và xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, phát huy bảo tồn giữ gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được xác định trong Đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, một là, Việt Nam sẽ xây dựng nền tảng pháp lý cho phát triển đô thị thông minh như công cụ quản lý, định chế (khung hướng dẫn tiêu chí và đánh giá đô thị thông minh), quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về quy hoạch xây dựng công trình thông minh trong đô thị.

Hai là, xây dựng những cơ chế phối hợp giữa các cấp các ngành, giữa Trung ương và địa phương để đảm bảo việc điều phối, dẫn dắt, định hướng phát triển đô thị trong cả nước được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, tránh lãng phí phân tán tài nguyên và các nguồn lực.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng còn cho biết, theo quyết định 950 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển Đô thị Thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng 2030, Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng ít nhất 6 đô thị thông minh đại diện cho 6 vùng kinh tế (Trung du và Miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam bộ; và Đồng bằng sông Cửu Long). Trên cơ sở đó sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng hệ thống đô thị thông minh ở Việt Nam.

Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế. Ảnh: thuathienhue.gov.vn
Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế. Ảnh: thuathienhue.gov.vn

Đô thị thông minh phải hài hòa các giá trị văn hóa

Trong quá trình xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế của những nước phát triển và đang phát triển, những nước có thành tựu lớn trong việc phát triển đô thị thông minh. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng nghiên cứu xu hướng của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh để tìm tòi, chọn lọc kinh nghiệm phù hợp với thực tế phát triển và bản sắc của Việt Nam.

Tuy nhiên, các khái niệm hay kinh nghiệm quốc tế hiện nay chưa đề cập tới lĩnh vực quy hoạch và xây dựng thành phố đô thị một cách thông minh.

“Đây là nền tảng căn cốt bởi chúng ta phải dựa trên nền tảng đô thị có sẵn và hiện hữu thì mới có thể tiến hành thực hiện các giải pháp thông minh cho việc tổ chức quản lý và phát triển đô thị đó” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Ngoài ra, khi phát triển đô thị thông minh trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin cũng như cơ sở dữ liệu lớn thì những nhà quản lý cần phải chú ý tạo ra một cộng đồng đô thị hài hòa, vừa hiện đại mà vẫn phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ông Phạm Hồng Hà bày tỏ: "Đô thị thông minh cần tránh việc robot hóa mà cần hướng tới sự kết nối giữa các cộng đồng dân cư một cách thực sự, là quan hệ giữa con người với con người".