"Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập sẽ tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT" - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh.

Sáng ngày 31/3, Bộ Khoa học và Công nghệ với sự hỗ trợ của BSA/ Liên minh Phần mềm đã tổ chức Lễ công bố chương trình "Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập" của lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Lễ công bố có sự tham gia của đại diện các thành viên Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm pạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2012 - 2015, gồm 9 bộ ngành, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp.

Toàn cảnh Lễ công bố chương trình "Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập"

Tại Lễ công bố, Thứ trưởng KH&CN, ông Trần Việt Thanh chỉ rõ mục tiêu và ý nghĩa của chương trình: "Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò ý nghĩa của quyền SHTT đối với phát triển của xã hội, dẩy mạnh việc xác lập khai thác, phát triển và thực thi quyền SHTT, bảo đảm quyền SHTT thực sự trở thành công cụ thúc đẩy phát triển khoa học- công nghệ nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Tạo ra nhận thức trong toàn xã hội để thực hiện các cam kết quốc tế về SHTT.
Thứ trưởng KH&CN, ông Trần Việt Thanh phát biểu tại buổi lễ.

"Tháng hưởng ứng ngày SHTT thế giới vì mục tiêu hội nhập" (từ 31/3 đến 30/4/2016) sẽ tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luận về SHTT sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh vào các tháng tiếp theo.

Trong thời gian tới, để phù hợp với các cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả và các vấn đề về thực thi quyền SHTT. Với yêu cầu đó, Chính phủ Việt Nam, cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam"- Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết.

Báo cáo của ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Trưởng Ban Thường trực Chương trình 168 cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Ban thường trực Chương trình hành động 168 giai đoạn 2 (2012-2015), các lực lượng thực thi quyền SHTT trong phạm vi toàn quốc đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền phạt trên 68 tỷ đồng; Tịch thu, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với khoảng 70 tấn thực phẩm chức năng các loại; hàng chục nghìn chai rượu ngoại các loại; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 80.900 tấn phân bón và hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, giầy dép, quần áo thời trang, rượu, bia, nước giải khát, lương thực thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; buộc tiêu huỷ hàng chục nghìn đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu.

Thực trạng này cho thấy sự vi phạm SHTT đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đó là về nhận thức của doanh nghiệp về ở hữu trí tuệ. Bởi vì SHTT nó liên quan tới những phát minh, sáng chế tới những sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ và khi nhận thức không đầy đủ các doanh nghiệp rất dễ vi phạm những luật lệ quy định về quyền sở hữu trí tuệ này.

"Nếu doanh nghiệp nhận thức không đầy đủ sẽ rơi vào tình trạng vi phạm vấn đề pháp luật quốc tế. Vấn đề thứu hai là doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu, năng lực nghiên cứu và phát triển của mình đặc biệt là đổi mới công nghệ" - TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI nói.

Hy vọng rằng tháng hưởng ứng Ngày SHTT Thế giới do Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với BSA góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang chuyển mình rất lớn để hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.