Ngày 5/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Trần Việt Thanh và lãnh đạo các đơn vị liên quan trong bộ đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Cơ quan SHTT Singapore.

Tại buổi tiếp, ông Daren Tang - Tổng giám đốc cơ quan SHTT Singapore – cho biết nước này có những chính sách phát triển định giá tài sản trí tuệ, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Đây chính là những nhà tài trợ và khách hàng ban đầu, cũng là người chăm sóc doanh nghiệp khởi nghiệp đó để họ có thể vươn lên tầm quốc tế.

Buổi làm việc giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Cơ quan SHTT Singapore.

Cơ quan SHTT Singapore đã đề xuất và được ngân hàng Trung ương, quỹ bảo lãnh của Chính phủ chấp thuận thực hiện cơ chế cho phép các startup được thế chấp quyền SHTT để vay vốn khởi nghiệp. Theo ông Daren Tang, Singapore đang muốn thúc đẩy thương mại hóa các tài sản trí tuệ, các quyền SHTT và xem đây như một công cụ để thúc đẩy nền kinh tế đổi mới sáng tạo.

“Chúng tôi giúp các startup sử dụng tài sản trí tuệ như một phương tiện để khởi nghiệp bằng chính sách miễn phí tư vấn, hỗ trợ tư vấn nộp đơn, làm đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, xác nhận đơn để cấp bằng, tạo điều kiện cho các startup thực thi quyền SHTT bằng cách hỗ trợ các luật sư, hệ thống cơ quan đại diện SHTT có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Cơ quan SHTT Singapore có các bộ phận giúp doanh nghiệp khởi nghiệp” - ông Daren Tang chia sẻ.

Đánh giá cao kinh nghiệm này, Thứ trưởng Trần Việt Thanh chia sẻ kỳ vọng của Việt Nam về việc học hỏi để thúc đẩy thương mại hóa các sáng chế, xác lập quyền giúp các doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên Thứ trưởng cũng cho biết hiện việc định giá tài sản trí tuệ hiện vẫn là một khó khăn đối với Việt Nam.

Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Doanh nghiệp KH&CN – các kinh nghiệm của Singapore rất hữu ích cho Việt Nam: “Chúng ta phải làm sao để cơ quan SHTT quốc gia có thể phục vụ nhiều hơn cho đổi mới sáng tạo nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. Những định hướng hỗ trợ như kinh nghiệm của Singapore rất cần thiết cho cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam.

Theo ông Quất, chính sách và định hướng đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư phụ thuộc nhiều vào khả năng bảo hộ và thực thi quyền SHTT đối với các sản phẩm sáng tạo của các startup. Tuy nhiên, để có được hệ thống hiệu quả như Singapore, cần có quyết tâm cao từ phía Chính phủ, sự vào cuộc của các quỹ đầu tư cũng như các doanh nghiệp.

Ông Quất cũng kỳ vọng các cơ quan SHTT và hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Việt Nam có thể hợp tác với Cơ quan SHTT Singapore để mở rộng phạm vi hoạt động của cộng đồng khởi nghiệp ở thị trường Việt Nam cũng như thị trường ASEAN.