Lần đầu trong khuôn khổ Ngày hội STEM có một diễn đàn dành riêng cho học sinh mọi miền đất nước nói về những thách thức trong việc tiếp cận giáo dục STEM.

Học sinh tham gia ngày hội STEM 2022 | Ảnh: BTC
Lê Thuỳ Linh, Trường THCS Thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, trình bày về hoạt động của CLB Robot ở trường mình| Ảnh: BTC

Khi Ngày hội STEM Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2015, khái niệm giáo dục STEM còn xa lạ với hầu hết các em học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Nhưng giờ đây, với nhiều nỗ lực từ phía chính phủ, ngành giáo dục, và cộng đồng, cụm từ này đã trở nên hết sức quen thuộc với công chúng. Việc các em học sinh từ nhiều địa phương trên khắp cả nước tự tin thuyết trình tại hội thảo trong khuôn khổ Ngày hội STEM 2022là một minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định này.

Tổng cộng, có tất cả 12 bài trình bày của các học sinh THCS, THPT và sinh viên từ Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu, Hà Nội tại hội thảo ngày 20/5 vừa qua; trong đó có nhiều ý kiến tập trung làm rõ những thách thức đối với việc học tập theo tiếp cận STEM ở những vùng đất khác nhau.

Đối với học sinh nông thôn, miền núi, những thách thức đó bao gồm việc thiếu cơ sở vật chất, phòng lab và kinh phí để triển khai các ý tưởng, hay bản thân các em và thầy cô có ít kinh nghiệm để đọc các tài liệu nước ngoài và làm các dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật một cách chuyên nghiệp - theo em Trần Viết Lân, Trường THPT Trần Phú, Tuy Hoà, Phú Yên.

Mặt khác, “đối với các tỉnh miền núi như bọn em mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng các thầy cô, ban giám hiệu đều cố gắng hết sức để bất kì bạn nào yêu thích khoa học cũng có cơ hội tham gia vào các hoạt động tại câu lạc bộ,” Lê Thuỳ Linh, học sinh lớp 9 Trường THCS Thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, chia sẻ với Khoa học & Phát triển, bên lề hội thảo.

Nữ sinh lớp 9 này còn cho rằng mình “không gặp rào cản nào, thậm chí còn được khuyến khích” tham gia các hoạt động STEM và tin rằng điều đó sẽ tác động ít nhiều đến quyết định lựa chọn lĩnh vực học tập và nghề nghiệp của mình sau này.

Ngược lại, em Nguyễn Lương Bằng, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội, cho biết, mặc dù ở thành phố, các em có nhiều nguồn lực và sự hỗ trợ chuyên môn cao hơn từ phía cha mẹ, thầy cô, nhưng không có nghĩa mọi việc đều suôn sẻ. "Học sinh thành phố dễ bị áp lực bận rộn, quản lý thời gian cá nhân không hiệu quả và ít được tiếp xúc với thiên nhiên để có thể đưa ra những ý tưởng gắn với nhiều vấn đề của cuộc sống," Bằng nói.

Bên cạnh đó, các diễn giả học sinh còn chia sẻ về hành trình từ hoạt động STEM đến các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hoặc xa hơn nữa là hành trình đưa các đề tài nghiên cứu khoa học từ thời học sinh thành những công trình nghiên cứu khoa học bậc cao. Các em cũng giới thiệu về các mô hình câu lạc bộ STEM, câu lạc bộ khoa học, câu lạc bộ robot, không gian sáng tạo (makerspace) và nhiều hoạt động học tập theo định hướng STEM khác đang được triển khai tại trường mình.

Tham dự và phát biểu với hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhấn mạnh, các trường đại học có trách nhiệm góp phần mở ra nhiều không gian thuận lợi hơn cho các em tiếp cận giáo dục STEM. Cụ thể, ông đề xuất nhiều hình thức phối hợp - từ các buổi trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, cuộc thi, đến xây dựng các FabLab hỗn hợp cho học sinh THPT và sinh viên năm 2-3, cho phép các em tham gia vào nhóm nghiên cứu khoa học của giảng viên, và tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn để trao đổi những phương pháp khoa học mới.

Ngày hội STEM Việt Nam là sự kiện thường niên nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM do Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên minh STEM và Báo khoa học & Phát triển đồng tổ chức kẻ từ năm 2015.

Xem video về phiên thảo luận của học sinh và các chuỗi hoạt động STEM trên cả nước tại https://ngayhoistem2022.org/