Khoản tài trợ sẽ được sử dụng vào việc xây dựng một địa điểm sản xuất quy mô thí điểm tại Việt Nam, trước khi nhắm mục tiêu vào các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

Trước đó, Buyo đã giành được giải Nhất trị giá 15.000 USD trong Chương trình 100+ LABs dành cho các công ty khởi nghiệp bền vững. Trong ảnh: Buyo giới thiệu sản phẩm đến ban giám khảo chương trình. Nguồn: Vneconomy
Trước đó, Buyo đã giành được giải Nhất trị giá 15.000 USD trong Chương trình 100+ LABs dành cho các công ty khởi nghiệp bền vững. Trong ảnh: Buyo giới thiệu sản phẩm đến ban giám khảo chương trình. Nguồn: Vneconomy

Buyo mới đây đã huy động được khoản tiền tài trợ vòng tiền hạt giống (pre-seed) do văn phòng gia đình Aldebaran Capital có trụ sở tại Singapore dẫn đầu. Giá trị cụ thể của thương vụ không được tiết lộ.

Trong bối cảnh ô nhiễm nhựa đang ngày càng trở thành một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất toàn cầu, Đỗ Hồng Hạnh - đồng sáng lập của Buyo - tin rằng đây là "thời điểm vàng" để thành lập một công ty góp phần giải quyết thực trạng này.

"Chính phủ các nước đang ban hành lệnh cấm đối với nhựa dùng một lần và kêu gọi chuyển sang sử dụng nhựa sinh học và nhựa tái chế", chị chia sẻ với Tech in Asia. "Hầu hết các tập đoàn lớn cũng đang loại bỏ dần vật liệu nhựa trong chuỗi cung ứng của họ."

Năm ngoái, khi quyết định bỏ việc để thành lập Buyo, Đỗ Hồng Hạnh mong muốn công ty sẽ là nơi hiện thực hóa mong muốn biến đổi chất thải sinh học thành nhựa sinh học tự huỷ, an toàn.

Trong khi hầu hết các công ty nhựa sinh học sử dụng tinh bột làm nguyên liệu chính, Buyo cho biết công nghệ độc quyền của họ chuyển đổi chất thải sinh học từ nông nghiệp và quá trình chế biến thực phẩm như bã hèm, bã mía… thành nhựa sinh học giúp loại bỏ khí thải nhà kính và ô nhiễm. Cụ thể, nhựa sinh học của Buyo được làm từ bã hèm, bã mía,..., và dễ dàng phân hủy thành carbon dioxide, nước, sinh khối.

Chị Hạnh tiết lộ công ty sẽ sử dụng khoản tài trợ mới vào việc xây dựng một địa điểm sản xuất quy mô thí điểm tại Việt Nam, trước khi nhắm mục tiêu vào các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Công ty cũng đã đăng ký bằng sáng chế và đang làm việc để đạt được các chứng nhận thử nghiệm quốc tế.

Trong giai đoạn đầu, Buyo đặt mục tiêu cung cấp vật liệu làm bao bì như bao bì thực phẩm; tiếp theo sẽ là các ứng dụng khác trong ngành mỹ phẩm, y tế và dệt may.

Buyo cũng có kế hoạch khởi động vòng gọi vốn tiếp theo vào quý 2 năm 2024.

Trước đó, vào cuối năm ngoái, khi vừa mới thành lập, Buyo đã giành giải Nhất trị giá 15.000 USD trong Chương trình 100+ LABs do công ty AB InBev Việt Nam cùng 5Desire tổ chức dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững.

Giải thưởng này đã giúp Buyo trở thành startup đầu tiên của Việt Nam nhận được tấm vé vàng tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp toàn cầu 100+ Accelerator, một chương trình uy tín dành cho các startup tiêu biểu về phát triển bền vững trên toàn thế giới