Không chỉ được các thầy cô trong trường ứng dụng, sản phẩm của nhóm sinh viên yêu khoa học đã được doanh nghiệp săn đón, đặt hàng.


Dùng những kiến thức mình học được, ứng dụng nghiên cứu làm ra sản phẩm có ích và được chính những thầy cô trong trường ứng dụng vào việc giảng dạy, rồi một DN đã đặt hàng sản phẩm này, chúng em là những người cảm thấy vui nhất vì mình đã đóng góp một điều gì đó để xã hội tốt hơn”.

Những chia sẻ của Nguyễn Văn Kiên, ngành Điện tử - viễn thông, ĐH KHTN TP.HCM như một lời nhắn nhủ, khơi gợi để nhiều bạn trẻ khác có động lực dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học.

Với sản phẩm Hệ thống trình chiếu bằng board Raspberry PI điều khiển trên điện thoại di động, nhóm đã giành được “cú đúp” giải thưởng khoa học, đó là giải sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka và giải thiết kế chế tạo ứng dụng do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

Theo nhóm nghiên cứu, hệ điều hành di động Android đã xuất hiện như một điểm sáng khi chiếm đến 78,1% thị phần (Theo IDC, Q4/2013) so với iOS và Windows Phone. Nó đem lại cho người dùng các tiện ích thông minh và sự tiện dụngvới một kho ứng dụng đồ sộ cho các thiết bị cầm tay.

Nhờ đặc điểm mã nguồn mởLinux tối ưu cho hoạt động của thiết bị cầm tay thông minh, Android cho phép người dùng và các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng linh hoạt hướng đến sự tiện lợi đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Xuất phát từ thực tế, việc trình chiếu các bài giảng trước giảng đường hay trong các cuộc họp đều rất cần thiết vì nó giúp người trình bày thể hiện rõ được ý mình nói trước đám đông.

Việc sử dụng laptop cho việc trình chiếu làm cho công việc trở nên khó khăn hơn trong việc trình bày như sang trang, mở một tập tin.Người muốn trình chiếu đề tài đều phải dùng USB hay lấy chính laptop họ ra để mở tập tin, rất rườm rà và mất thời gian để việc chuyển đổi hay giao tiếp trong một cuộc họp lớn.

Vì thế, nhóm đã xây dựng một hệ thống trình chiếu trên board nhúng và điều khiển bằng smartphone Android thông qua giao tiếp Wifi.

Trình chiếu một hình ảnh trên hệ thống board nhúng. Ảnh: Nhóm cung cấp.
Trình chiếu một hình ảnh trên hệ thống board nhúng. Ảnh: Nhóm cung cấp.

Hệ thống trình chiếu này gồm một phần mềm điều khiển trên điện thoại smartphone thực hiện việc trình chiếu, và một phần mềm điều khiển màn hình hoạt động trên board mạch Rasperry PI có gắn bộ phận thu phát wifi để kết nối các phần của hệ thống.

Điện thoại sẽ đảm nhận việc điều khiển trình chiếu và được kết nối với bộ phận board nhúng thông qua mạng wifi hoặc cáp mạng Lan. Board nhúng sẽ tiến hành xử lý và truy xuất các dữ liệu hiển thị trên điện thoại ra màn hình chiếu thông qua cổng HDMI hoặc VGA.

Điểm đặc biệt của hệ thống board nhúng này là 1 chiếc điện thoại có thể điều khiển để trình chiếu trên 2 hệ thống màn hình cùng một lúc và nhiều điện thoại có thể điều khiển được một board nhúng. Điểm này rất thuận lợi cho việc trình chiếu trong hội trường lớn với nhiều màn hình chiếu và nội dung trình chiếu lớn” - Nguyễn Chí Tâm, thành viên nhóm cho biết.

Board nhúng Raspberry PI được nhóm sử dụng để xây dựng hệ thống. Ảnh: Nhóm cung cấp.
Board nhúng Raspberry PI được nhóm sử dụng để xây dựng hệ thống. Ảnh: Nhóm cung cấp.

Khi thực hiện thiết lập hệ thống, vấn đề về độ trễ (delay) khi thực hiện thao tác chuyển trang văn bản trình chiếu là khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải.

Nguyên nhân của hiện tượng này là dohệ thống sử dụng giao tiếp wifi nên khi khoảng cách giữa điện thoại và board nhúng quá xathì khả năng xử lý bị chậm lại.

Ngoài ra, tập tin có dung lượng quá lớn cũng ảnh hưởng đến tốc độ xử lý khi trình chiếu. So với phiên bản đầu tiên thường phải mất hơn 2s để xử lý chuyển trang, các phiên bản sau của hệ thống được các bạn xử lý bằng những thuật toán lập trình để hạn chế tối đa độ trễ khi thực hiện chạy tập tin.

Sản phẩm nghiên cứu khoa học đầu tiên đã đạt những giải thưởng là sự khích lệ rất lớn cho các thành viên nhóm. Ảnh: Nhóm cung cấp.
Sản phẩm nghiên cứu khoa học đầu tiên đã đạt những giải thưởng là sự khích lệ rất lớn cho các thành viên nhóm. Ảnh: Nhóm cung cấp.

“Trong quá trình thực hiện, em mất khá nhiều thời gian để “biến” chiếc USB trở thành thiết bị phát wifi, vì USB wifi chỉ có chức năng thu.

Mỗi thành viên đều được giáo viên hướng dân “khoán” nội dung công việc trong một thời gian cố định, nhiều khi chúng em phải chạy đua với thời gian để không bị trễ hẹn. Vì thế chuyện ban ngày đi học, tối về lao vào làm nghiên cứu đến khuya đã trở thành thói quen hằng ngày của mỗi người.

Đến khi sản phẩm hoàn thành, không còn phải thức đến 2-3h sáng để làm việc em cứ thấy như…thiếu thiếu gì đó” - Phạm Thế Nam chia sẻ về khoảng thời gian nghiên cứu của cả nhóm.

Nhóm cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục phát triển hệ thống có thể chạy trên hệ điều hành iOS và Windowsphone để tiếp cận được với nhiều hơn đối tượng sử dụng.