Sau 15 năm triển khai, Chiến lược Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những mục tiêu của Chiến lược chưa được thực hiện, trong đó có mục tiêu phát triển điện hạt nhân.

Nhiều kết quả tích cực trong y tế và nông nghiệp

Tại Hội nghị tổng kết được tổ chức vào sáng ngày 29/12, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, Chiến lược Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006 gồm có hai mục tiêu chính: phát triển điện hạt nhân và ứng dụng năng lượng bức xạ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, việc ứng dụng năng lượng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt là ứng dụng trong y tế, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp như tạo giống mới, chiếu xạ cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm để xuất khẩu,...

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KH

Theo thông tin tại Hội nghị, đến cuối năm 2020, về lĩnh vực y tế, cả nước có 40 cơ sở y học hạt nhân, 42 cơ sở xạ trị. Về trang thiết bị có khoảng 52 thiết bị xạ hình (SPECT, SPECT/CT, PET/CT), đạt tỷ lệ khoảng 0,55 máy/1 triệu dân; 96 thiết bị xạ trị; đạt tỷ lệ 1 thiết bị/1 triệu dân; 8.770 thiết bị X-quang; gần 900 máy chụp cắt lớp vi tính; 280 máy chụp cộng hưởng từ,... GS.TS Mai Trọng Khoa (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, tốc độ phát triển và lắp đặt các thiết bị xạ hình như máy SPECT/CT tại Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất so với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Một số kỹ thuật chụp hình chẩn đoán hiện đại tương đương với trình độ y học hạt nhân ở các nước trong khu vực và quốc tế như xạ hình SPECT tưới máu cơ tim, chụp xạ hình hạch gác và sử dụng đầu dò gamma trong phẫu thuật ung thư vú. Nhiều kỹ thuật điều trị y học hạt nhân hiện đại đã được triển khai ở Việt Nam như kỹ thuật cấy hạt phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt, điều trị ung thư tế bào gan bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ,... Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt hiện sản xuất được khoảng 1233 Ci đồng vị phóng xạ (tăng 20% so với năm 2019), đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho các cơ sở y học hạt nhân trên cả nước.

Về lĩnh vực nông nghiệp, TS. Lê Đức Thảo, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết có 8 cơ sở đã có giống đột biến phóng xạ được đăng ký và đưa vào trong sản xuất; đã tạo ra và đưa vào trong sản xuất 71 giống cây trồng đột biến bằng phương pháp chiếu xạ như lúa, đậu tương, ngô, hoa, táo, bạc hà. Theo đánh giá của IAEA năm 2014, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống. Trong năm 2019, Trung tâm Đánh giá không phá hủy (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp chế tạo thành công thiết bị chiếu xạ gamma cell đầu tiên dành riêng cho chiếu xạ đột biến giống cây trên cơ sở tận dụng nguồn phóng xạ y tế đã qua sử dụng,...

"Trong tương lai không xa, chúng ta buộc phải phát triển điện hạt nhân"

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng nhận định, vẫn còn những mục tiêu của Chiến lược chưa được hoàn thành, trong đó có mục tiêu quan trọng là phát triển điện hạt nhân, khi năm 2016, Quốc hội đã ra nghị quyết 31 dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

“Trong 15 năm qua, nhu cầu về năng lượng và ứng dụng công nghệ hạt nhân vào đời sống của nước ta đã 'bước sang một trạng thái khác'. Cá nhân tôi cho rằng, với nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu năng lượng của một quốc gia có hơn 97 triệu dân và mỗi năm tiếp tục tăng thêm hơn 1 triệu người như Việt Nam, thì trong tương lai không xa chúng ta buộc phải phát triển điện hạt nhân”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận định.

Thứ trưởng cho biết, Bộ KH&CN sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành khác để tổng hợp các ý kiến đóng góp và sẽ trình Chính phủ phương án phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, đại diện của nhiều đơn vị như Bệnh viện Bạch Mai, Viện Di truyền Nông nghiệp,... chỉ ra một số mục tiêu khác trong Chiến lược còn chưa làm được do có vướng mắc trong quá trình thực hiện.

TS. Lê Đức Thảo, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, cho rằng kết quả của việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp còn khá hạn chế, “theo chúng tôi đánh giá, có thể do chúng ta đặt mục tiêu cao quá, trong khi ngành nông nghiệp có nhiều khác biệt, không yêu cầu quá nhiều về công nghệ mà là yêu cầu về con người, về việc đào tạo, điều kiện nghiên cứu”. Ông cho rằng, giai đoạn tới cần có những chiến lược bám sát và thực tế hơn, đồng thời có sự điều phối đồng bộ để các đơn vị nghiên cứu hoạt động hiệu quả và có định hướng.

GS.TS Mai Trọng Khoa (Bệnh Viện Bạch Mai) thì nhấn mạnh vấn đề định danh trong lĩnh vực y tế. “Hiện nay, tất cả kỹ sư vật lý y khoa, kỹ thuật viên làm trong lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân và xạ trị đều không có định danh về vị trí làm việc trong ngành y tế, trong khi đó bất cứ bệnh viện nào có các khoa trên đều không thể thiếu các nhân viên này, do vậy, họ vẫn làm nhưng không có chứng chỉ hành nghề. Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm về mặt pháp lý”, ông nói và đề nghị, “rất mong có sự phối hợp giữa Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế để giải quyết được vấn đề này”.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, nguyên chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhận định, trong tương lai Việt Nam nên có một chương trình đào tạo nhân lực tổng thể về khoa học và công nghệ hạt nhân - từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu kỹ thuật và đi đến ứng dụng. “Kế hoạch ấy không thể chỉ một cơ quan làm hết mà phải có sự phân công làm sao để việc đào tạo nhân lực được thực hiện một cách đồng bộ trong cả nước, đơn vị nào mạnh cái gì thì đào tạo cán bộ về cái đó. Bởi nếu chúng ta có cơ sở vật chất hiện đại nhưng không có nhân lực thì không thể phát huy hết được”, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nói