Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh tại hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ KH&CN tổ chức ngày 4/4.

Từ năm 2015, Bộ KH&CN đã ban hành bộ tiêu chuẩn TCVN11041:2015 - Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, áp dụng cho sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi chuyển đổi từ tiêu chuẩn CODEX CAC/GL 32-1999, sửa đổi năm 2013. Tuy nhiên, theo phản ánh từ thực tế, quá trình áp dụng bộ tiêu chuẩn này đang gặp nhiều khó khăn.


Thứ trưởng Khánh cho biết, tới đây Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện TCVN11041:2015 và hướng dẫn triển khai thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế; chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp với TCVN 11041:2015 để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (được các tổ chức quốc tế thừa nhận). Hai bộ cũng sẽ ưu tiên các hướng nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi kháng bệnh; tiếp tục nghiên cứu quy trình để hạ giá thành các chế phẩm sinh học, đưa vào sản xuất.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện có 30/63 tỉnh thành triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Trong đó, Bến Tre có trên 3.000ha trồng dừa, Ninh Thuận có 448ha trồng nho, táo, rau. Ngoài ra, còn có một số mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Lương Sơn (Hòa Bình), Sóc Sơn (Hà Nội); sản xuất chè ở Bắc Hà (Lào Cai)…

Để tạo ra hành lang pháp lý cho nông nghiệp hữu cơ phát triển, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - kiến nghị Chính phủ giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018-2025, xây dựng hành lang pháp lý để công nhận, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.