Từ chối lời trả giá 500 triệu đồng cho cây sâm Ngọc Linh quý trồng trong vườn, một người dân tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã ươm trồng 1,5ha sâm có giá trị ước tính lên đến 60-70 tỉ đồng.

Người nông dân đang sở hữu vườn sâm rộng hơn 1,5ha có tên Hồ Kim Lĩnh (trú tại thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My).

Thông tin trên Báo điện tử VnExpress, Chủ tịch huyện Nam Trà My, ông Hồ Quang Bửu sau khi nghe thông tin một người dân tại địa phương sở hữu cây sâm quý đã đến vườn để xác minh. Ông này nói trên báo VnExpress: "Cây sâm Ngọc Linh có 7 nhánh, ước đoán hơn 100 tuổi. Chủ nhà nói có một số người trả giá hơn 500 triệu đồng".

Ông Hồ Kim Lĩnh bên cây sâm Ngọc Linh 7 nhánh trồng trong vườn. Ảnh: VNE
Ông Hồ Kim Lĩnh bên cây sâm Ngọc Linh 7 nhánh trồng trong vườn. Ảnh: Vnexpress

Cũng theo vị Chủ tịch huyện này, đây là cây sâm cực kỳ quý hiếm được phát hiện tại huyện Nam Trà My. Mỗi năm, từ việc lấy hạt sâm gieo giống bán, ông Hồ Kim Lĩnh thu được khoản tiền lớn. Mỗi cây giống giá 65.000-70.000 đồng, tính ra từ cây sâm 7 nhánh chủ vườn thu về gần 700 triệu đồng/năm.

20 năm trước, ông Hồ Kim Lĩnh phát hiện cây sâm này trong một lần lên núi Ngọc Linh. Cây sâm khi đó chỉ có 5 nhánh. Lo ngại làn sóng người tứ xứ đến lùng sâm, ông Lĩnh đào cây sâm này về trong vườn nhà.

Nếu đào củ sâm, ước nặng 1,3 kg. Gia đình ông Lĩnh không bán vì muốn để nhân giống. Mỗi năm cây cho khoảng 1.000 hạt. “Từ cây sâm này, tôi nhân giống ra hơn 18.000 cây con, trồng trong khu vườn rộng hơn 1,5 ha. Hiện giá trị vườn sâm khoảng 60-70 tỷ đồng”, ông Lĩnh chia sẻ với báo Vnexpress.

“Rất nhiều người trả giá cao nhưng ông Lĩnh không bán. Đây là điều đáng mừng, tương lai giống sâm Ngọc Linh quý hiếm trong tự nhiên sẽ được phục hồi và phát triển”, ông Bửu nói. Cây sâm Ngọc Linh quý này được ông Lĩnh bảo về nghiêm ngặt. Ông làm nhiều hố chông quanh vườn, chăng 5 lớp thép gai, tôn, bờ rào...

Cây sâm hiện có 7 nhánh, được ông Lĩnh bảo vệ nghiêm ngặt bằng nhiều biện pháp. Ảnh: VNE
Cây sâm hiện có 7 nhánh, được ông Lĩnh bảo vệ nghiêm ngặt bằng nhiều biện pháp. Ảnh: Vnexpress

Sâm Ngọc Linh được biết đến rộng rãi vào năm 1973, sau khi dược sĩ Đào Kim Long được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đi tìm và nghiên cứu các loại thuốc quý để chữa bệnh cho bộ đội. Sau hàng năm trời cuốc bộ dọc dãy Trường Sơn, dược sĩ Long tìm ra loài cây mà người dân Xê Đăng vẫn dùng để trị bách bệnh. Ông sau đó đặt tên cho loài cây là sâm Ngọc Linh, hay sâm K5.

Việc loài cây thuốc được biết đến rộng rãi khiến việc chỉ trong vài năm, cây sâm tự nhiên gần như biến mất do người dân tứ xứ đến Quảng Nam săn lùng sâm quý. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân địa phương ý thức được việc giữ gìn giống cây quý nên tổ chức ươm mầm, hoặc mang sâm tự nhiên trên núi về trồng. Sau nhiều năm, những người gắn bó với nghề trồng sâm như ông Lĩnh sở hữu vườn sâm quý trị giá nhiều tỉ đồng.