Không ít nhà khoa học tâm huyết với nền khoa học Việt Nam nói chung, sách khoa học nói riêng phải ngao ngán trước hiện trạng sách phổ biến khoa học (gọi ngắn gọn là sách khoa học) nước ta vừa thiếu, vừa yếu.

Tấm biển sách khoa học dường như  vắng bóng trên các kệ ở hiệu sách Việt Nam. Ảnh: LV
Tấm biển sách khoa học dường như vắng bóng trên các kệ ở hiệu sách Việt Nam. Ảnh: LV

Sách khoa học bị “ngó lơ”

Khảo sát quanh các nhà sách lớn như nhà sách 44 Tràng Tiền của Tổng công ty Phát hành sách Việt Nam, nhà sách Thăng Long, người viết nhận thấy có một thực trạng đáng buồn là không gian riêng dành cho sách khoa học gần như không có.

Các nhà sách vẫn để biển “Khoa học”, nhưng là khoa học đời sống như nhà sách 44 Tràng Tiền (Hà Nội) và đây là khu vực trưng bày các cuốn sách về chăm sóc sức khoẻ mẹ - bé, cách phòng, trị một số bệnh ung thư thường gặp.

Tương tự, nhà sách Thăng Long, tấm biển “Khoa học - Kỹ thuật” màu hồng treo tận trên cao phân định khu vực này dành cho sách khoa học, kỹ thuật, nhưng ngay phía dưới nó là sách về chăm sóc sức khoẻ, về phương pháp trị bệnh.

Xa hơn chút nữa là sách về kỹ năng sống, sách tin học, đặc biệt có khu sách về y học. Chỉ có vài cuốn sách từ điển khoa học, bách khoa toàn thư khoa học dày cộp được đặt trên giá sách phía trên cùng.

Khu sách thiếu nhi có một vài cuốn sách khoa học cơ bản bổ ích và lý thú; tuy nhiên, lại không có bất cứ một biển hiệu chia hẳn khu vực sách khoa học ra.

Khi được hỏi vì sao không bày bán sách khoa học, nhân viên nhà sách 44 Tràng Tiền cho biết, trước kia họ có bày bán, nhưng lượng độc giả quan tâm tới loại sách đó không nhiều. Thêm nữa, sách khoa học xuất bản ít, không có nguồn nhập về nên không bày bán dạng sách này.
Lý giải vấn đề này, dịch giả Nguyễn Việt Long nói: “Thứ nhất là do xã hội định hướng. Trong thời bao cấp, sách khoa học rất được coi trọng. Tuy nhiên, sau khi xoá bỏ chế độ bao cấp, nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường. Người ta chú tâm vào việc kiếm tiền mà ngó lơ khoa học, kể cả những người từng làm, từng học khoa học. Điều này khiến tình yêu với sách khoa học dần bị mai một. Thứ hai là nếu trước kia, trẻ em ít đi học thêm, và sách khoa học còn khá phổ biến, chúng sẽ có thời gian tìm và đọc những cuốn sách này. Ngày nay, với nền học thuật ứng thí, lịch học thêm dày đặc và làm bạn với khối lượng sách giáo khoa lớn khiến các cháu không còn thời gian đọc và tìm hiểu sách khoa học”.

Không chỉ độc giả “ngó lơ” mà ngay cả các nhà xuất bản cũng không mặn mà với dòng sách này. Theo số liệu được công bố trong cuộc toạ đàm với chủ đề “Thói quen đọc sách khoa học” do Công ty Đông A tổ chức vào tháng 3/2015, trong 11 năm qua, chúng ta mới xuất bản được 200 đầu sách khoa học dịch có chất lượng - từ những nhà xuất bản uy tín như NXB Trẻ, Kim Đồng, Đông A, Long Minh.

Giáo sư - tiến sỹ vật lý Cao Chi cho rằng, có hiện tượng này là vì làm một cuốn sách khoa học tốn rất nhiều thời gian (có những cuốn lên tới vài năm), công sức (hiệu đính, biên tập...), nhưng sau khi hoàn thành, chúng chỉ được in với số lượng khá hạn chế, dẫn tới việc các nhà xuất bản không có lãi, không muốn bỏ công làm.

Sách khoa học còn “ốm yếu”

Ngoài những nguyên nhân khách quan khiến sách khoa học đang còn rất “nhạt nhòa” trong lòng bạn đọc, còn có một nguyên nhân từ chính bản thân người làm sách khoa học.

Trước hết, chúng ta bàn về sách khoa học dịch. Hiện nay, phần lớn sách khoa học có mặt trên thị trường là những cuốn sách được dịch ra từ tiếng nước ngoài, tuy nhiên số lượng cũng còn khá khiêm tốn.

Bàn về nguyên nhân sách khoa học chưa “lọt vào mắt” độc giả - nhìn từ lực lượng dịch giả, ông Nguyễn Việt Long - một chuyên gia dịch sách khoa học - cho rằng: “Lớp người dịch, hiệu đính sách khoa học ngày càng lớn tuổi đã không còn theo nghề”.

Thêm nữa, có tình trạng các dịch giả “né” dòng sách khoa học. “Tiền trả cho việc dịch một cuốn sách khoa học quá bèo bọt, trong khi yêu cầu hiểu biết lại rộng, khiến nhiều dịch giả - đặc biệt là dịch giả trẻ tuổi - không mấy mặn mà với dòng sách này” - Giáo sư Cao Chi giải thích.

Số lượng sách khoa học nước ngoài đã ít thì số lượng sách khoa học do các nhà khoa học, nghiên cứu ở Việt Nam viết còn ít hơn rất nhiều. Nguyên nhân là bởi tuy có kiến thức nền tốt, hiểu biết rộng nhưng không phải nhà nghiên cứu, nhà khoa học nào cũng có năng khiếu ngoại ngữ, có khả năng viết lách.

Ngoài ra, dù đã viết ra được phần nội dung, nhiều tác giả dễ gặp vấn đề về kho dữ liệu hình ảnh có bản quyền để minh họa, phục vụ cho cuốn sách.
Bên cạnh đó, có thể dễ dàng nhận thấy, dù có khá nhiều sách khoa học dành cho lứa tuổi nhi đồng, Việt Nam đang thiếu trầm trọng sách phổ biến khoa học nói riêng cho các em thiếu nhi lứa tuổi từ 10-15.

Điều này dẫn tới hai hệ lụy: Hoặc các cháu lứa tuổi 10-15 bị “còi tri thức” do phải đọc sách của lứa tuổi nhỏ hơn, hoặc bị “dậy thì sớm tri thức” do đọc sách dành cho người lớn, từ đó sinh ra những “triết gia tí hon”.

Một điều dễ nhận thấy khi so sánh giữa những cuốn sách khoa học bằng tiếng Việt (sách dịch hoặc do tác giả người Việt viết) với sách khoa học của nước ngoài, đó là sách của ta còn thiếu vắng phần tra cứu theo vần (index).

Có thể coi danh mục index là cuốn từ điển từ khoá tóm tắt về nội dung cuốn sách, giúp người đọc có thể kiểm tra xem nội dung cuốn sách có phù hợp với nhu cầu tìm kiếm thông tin của mình hay không.

Ngoài ra, trong học tập và nghiên cứu, tra index chéo của các cuốn sách giúp bạn đọc kiểm tra được độ chính xác của thuật ngữ hay được hiểu thêm về thuật ngữ tương đồng, hoặc những thông tin có liên quan đến thuật ngữ.

Giáo sư Cao Chi cho rằng: “Làm sách khoa học dịch không có index là thiếu trách nhiệm với bạn đọc”.

Đồng quan điểm này, ông Đỗ Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa và giáo dục Long Minh - lý giải nguyên nhân khiến index vắng bóng ở nhiều cuốn sách khoa học là do sự dễ dãi: Dễ dãi từ người biên soạn sách tới người xuất bản sách - một trong những điều tối kỵ của người làm khoa học; bởi nó sẽ tạo tâm lý an phận, từ đó không có sự tìm tòi, tư duy đổi mới.

Một trong những cái yếu nữa của sách khoa học Việt Nam là chưa cập nhật được thuật ngữ mới của thế giới. Hằng năm, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, thế giới có rất nhiều từ mới, thuật ngữ mới được ra đời.

Trong khi đó - theo ông Sơn “Ở Việt Nam, mảng từ điển thuật ngữ gần như đang bị bỏ ngỏ. Chúng ta cũng có những cách diễn giải thuật ngữ bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng nó mới chỉ ở mức diễn đạt ngữ nghĩa, chưa được đưa lên thành một “chuẩn”. Điều này đã tạo ra sự bất đồng trong việc dùng thuật ngữ giữa các nhà nghiên cứu, dịch giả và sâu xa hơn, thiếu sót này sẽ dẫn tới việc ngành khoa học và công nghệ Việt Nam bị cô lập với thế giới”.

Index (tra cứu theo vần) là một danh sách các thuật ngữ, tên người, địa danh và sự kiện có liên quan đến nội dung cuốn sách, dưới dạng “từ khóa” (key word), được xếp theo vần chữ cái nhằm phục vụ mục đích tra cứu nhanh cho người đọc. Đặc biệt trong thể loại sách khoa học, với rất nhiều khái niệm, thuật ngữ có liên quan lẫn nhau, việc thiết kế index chính xác, đầy đủ, hợp lý là hết sức quan trọng.