Cuốn sách tập hợp các bài viết của GS Phạm Xuân Yêm về cơ học lượng tử và thuyết tương đối, cũng như những ứng dụng của cơ học lượng tử trong vật lý hạt cơ bản mà ông là một chuyên gia có tên tuổi trên thế giới.

Cuốn sách
Cuốn sách của GS Phạm Xuân Yêm dày gần 500 trang. Nguồn: netabooks.vn

Cơ học lượng tử và thuyết tương đối là hai lý thuyết mới có tính đột phá, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hiểu biết vũ trụ cấp vô cùng lớn và vô cùng nhỏ, cũng như mở ra rất nhiều ứng dụng trong đời sống.

Nhưng trongCơ học lượng tử & Thuyết tương đối: Hai trụ cột của vật lý hiện đại, GS Phạm Xuân Yêm không chỉ trình bày về những khám phá khoa học trụ cột đã và đang tiếp tục định hình thế giới. Như TS Nguyễn Xuân Xanh viết trong Lời nói đầu, qua cuốn sách, tác giả còn muốn gửi gắm tình cảm đối với đất nước; những suy nghĩ về sự xây dựng nền khoa học quốc gia, về các giá trị phổ quát như nền tảng của sự phát triển nói chung mà Việt Nam cần có để đồng hành với thế giới. Bởi vậy, bên cạnh những bài viết có tiêu đề hết sức đặc trưng như Cái Không của lượng tử; Bản giao hưởng huyền diệu giữa Lượng tử và Tương đối; Trăm năm cái “h” vẫn hằng; Địa trục, Thiên hà; Cơ cấu hình thành vạn vật; Hạt Neutrino - sứ giả của hai thế giới thái cực,…, còn có những bài viết như Xã hội dựa trên hai trụ cột: Tri thức và lòng trắc ẩn như một credo (tín điều).

Cuốn sách có Lời bạt do GS Trịnh Xuân Thuận viết.

Buổi ra mắt sách chiều 6/1/2023
Buổi ra mắt sách do Viện Pháp tại Hà Nội cùng NXB Tri thức tổ chức vào chiều 6/1/2023 và có sự tham gia trực tuyến của GS Phạm Xuân Yêm. Ảnh: TT

Tại buổi ra mắt sách chiều 6/1, TS Phạm Văn Thiều kể, từ năm 2008, GS Phạm Xuân Yêm bắt đầu đóng góp bài viết bằng tiếng Việt, trước tiên là cho tạp chí Vật lý & Tuổi trẻ [do TS Thiều làm tổng biên tập]; và sau này là cho các cuốn kỷ yếu của nhà xuất bản Tri thức như Kỷ yếu Max Planck, Kỷ yếu Galileo… “Là người sống xa quê hương gần 70 năm, sinh hoạt và giảng dạy bằng tiếng Pháp, viết báo và sách khoa học bằng tiếng Anh, việc viết được những bài báo phổ biến khoa học hay bàn về giáo dục và khoa học trong nước bằng tiếng Việt, viết cho hay, cho dễ hiểu với công chúng mà lại gửi gắm được những ý tứ sâu xa của mình, có thể nói, là một thách thức đối với anh.”

Vượt qua thách thức này, TS Phạm Văn Thiều cho rằng, cuốn sách là “thành quả rực rỡ” của quá trình “kiên trì và công phu luyện tập ngòi bút” trong hơn 20 năm qua, từ ngày GS Phạm Xuân Yêm về hưu đến nay. Các bài trong cuốn sách “được viết bằng một thứ tiếng Việt nhuần nhuyễn, khi thâm trầm, khi hóm hỉnh, giàu chất triết lý”, TS Phạm Văn Thiều nói và nhấn mạnh rằng, đây là đóng góp đáng ghi nhận của GS Phạm Xuân Yêm cho công cuộc truyền bá kiến thức ở quê hương.

Trong khi đó, GS Chu Hảo lưu ý, Cơ học lượng tử & Thuyết tương đối đòi hỏi sự kiên trì của người đọc bởi nó không hấp dẫn theo lối của sách văn chương và tác giả đưa vào khá nhiều các biểu thức toán học để diễn tả độ chính xác của ý tưởng.

GS Phạm Xuân Yêm tốt nghiệp Trung học Chu Văn An Hà Nội 1954, Đại học Sài Gòn (1955-1956), giành học bổng của chính phủ Pháp sang Paris du học năm 1956. Ông là Tiến sĩ quốc gia Đại học Paris; Giám đốc nghiên cứu ngành Vật lý lý thuyết tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS).

Cùng với GS Hồ Kim Quang (Đại học Laval, Canada), ông là đồng tác giả của cuốn sách giáo trình về Vật lý hạt cơ bảnElementary Particles and their Interactions, Concepts and Phenomena(1998) được dùng trong nhiều đại học Mỹ, châu Âu và Úc.

Là một trong những người Việt Nam sớm đi vào trung tâm của nền vật lý hiện đại ở phương Tây và có nhiều thành tựu nghiên cứu, nhưng ông khiếm tốn diễn tả sự thành đạt của mình như sau: “Có lẽ đối với bất kỳ nhà nghiên cứu bình thường nào, phần thưởng lớn nhất nhận được là khi công trình của mình được đồng nghiệp khắp nơi quan tâm, được trích dẫn nhiều lần, thậm chí vài chục năm sau còn được nhắc đến và khai thác. Cá nhân tôi cũng vài lần được hạnh phúc như vậy.” (theo Nguyễn Xuân Xanh trong Lời nói đầu).