Sau hơn 6 năm hoạt động, Quỹ Nafosted bước đầu cho thấy đây là mô hình hiệu quả trong hoạt động tài trợ cho những nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

Chiều 9/7, Quỹ Nafosted đã tổ chức hội thảo "Giới thiệu hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2016-2018 và triển khai đánh giá xét chọn các đề tài nghiên cứu cơ bản trong Khoa học xã hội và nhân văn đợt 1 năm 2016". Tham gia buổi hội thảo có Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ, ông Đỗ Tiến Dũng - Giám đốc quỹ và 63 nhà khoa học uy tín trong cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, thành viên hội đồng khoa học liên ngành chính trị học, triết học, xã hội học nhiệm kỳ 2016-2018 - cho rằng: "Tên Nafosted lúc đầu nhiều người đọc còn không chính xác nhưng tôi nghĩ đến hôm nay nó đã rất quen thuộc. Điều đó cho thấy tên Nafosted đã được định vị trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của các đơn vị đặc biệt của các cá nhân"

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Nhật.

Theo PGS Phạm Quang Minh, điểm khác biệt của Quỹ Nafosted so với tất cả các quỹ khác cũng như các chương trình khoa học khác mà Nhà nước đặt hàng chính là cho phép các nhà khoa học được thể hiện khả năng của mình, được phép đăng ký và thực hiện đề tài mà họ mong muốn. "Đối với các nhà khoa học được làm những việc mà họ đam mê, họ trăn trở, mong muốn là điều quan trọng nhất, tuyệt vời nhất".

Sau hơn 6 năm hoạt động, Quỹ Nafosted bước đầu cho thấy đây là mô hình hiệu quả trong hoạt động tài trợ cho những nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Để tạo nên hiệu quả của mô hình này là sự đóng góp của hội đồng khoa học quỹ.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, vai trò của hội đồng là rất quan trọng. Đó là tư vấn, đánh giá, xét chọn các nhiệm vụ KH&CN do Quỹ tài trợ; đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ; xác định định hướng nghiên cứu và các vấn đề liên quan... PGS Phạm Quang Minh cũng cho rằng: "Quỹ cần phải hỗ trợ được những đề tài có sự ảnh hưởng và đóng góp không chỉ đối với khoa học trong nước mà còn quốc tế. Các đề tài được hỗ trợ không được phân biệt về tuổi tác, địa vị, vùng miền, có như thế chúng ta mới hội nhập sâu rộng được với quốc tế".

Theo đó, thành viên tham gia hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2016-2018 phải đáp ứng được các tiêu chí: Có thành tích khoa học dựa trên các kết quả công bố quốc tế và nằm trong danh sách các ứng viên có số điểm cao nhất trong cộng đồng khoa học lựa chọn; có trình độ chuyên môn sâu trong các chuyên ngành lớn thuộc ngành đó...

Điểm mới của Quỹ nhiệm kỳ 2016-2018 so với nhiệm kỳ trước mà Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh trong hội thảo chính là việc hội đồng khoa học thường xuyên xét duyệt đề tài 6 tháng/lần, tiến tới quý/lần, thay vì trước kia là 1 năm/lần.

Tính đến ngày 8/7/2016 đã có 67 đề tài thuộc 7 hội đồng khoa học; trong đó 35 trường hợp chủ nhiệm đề tài đủ điều kiện theo thông tư 37/QDD-HĐQLQ, 12 trường hợp chủ nhiệm đề tài chưa đủ điều kiện; 20 trường hợp đề nghị kiểm tra, xem xét.