Phòng thí nghiệm và xét nghiệm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm.


Thông tin này được giới chuyên môn đưa ra tại buổi tọa đàm về "Tầm quan trọng của phòng thí nghiệm và xét nghiệm đối với hoạt động xuất nhập khẩu" do Tiểu ban Thực phẩm Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản (FAASC) kết hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu ÂU tại Việt Nam (EuroCharm) tổ chức ngày 4/11 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu khai mạc tọa đàm
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu khai mạc tọa đàm

Nằm trong bối cảnh Việt Nam và EU vừa đạt được thỏa thuận Hiệp định tự do thương mại, vấn đề chất lượng các phòng thí nghiệm, xét nghiệm và kiểm tra an toàn thực phẩm để xuất khẩu đang rất được quan tâm.

Theo đó phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho rằng, thử nghiệm không chỉ là một công cụ hữu hiệu để giúp các tổ chức, các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trong nước mà còn tạo điều kiện để các đơn vị thử nghiệm hướng tới việc xây dựng và duy trì năng lực phù hợp với các chuẩn mực của quốc tế. Qua đó, là cầu nối giúp chất lượng của sản phẩm hàng hóa Việt Nam có cơ hội tham gia vào thị trường thế giới dễ dàng hơn.

Thứ trưởng Thanh cũng bày tỏ hy vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ sớm nâng cao và hoàn thiện hơn các tiêu chuẩn phòng thí nghiệm theo quy chuẩn quốc tế để cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng xuất khẩu hàng hóa.

Trên thực tế Việt Nam được đánh giá là một quốc gia đang có những thay đổi nhanh chóng về kinh tế-kĩ thuật, khoa học và công nghệ, nhưng EU có những yêu cầu cao về chất lượng, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm. Do vậy Chính phủ Việt Nam, các nhà sản xuất và các công ty xuất khẩu cần nhanh chóng có sự chuyển biến để đáp ứng những yêu cầu khắt khe đó. Điều này cũng có nghĩa là trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ cần phải xuất khẩu nhiều hơn nữa và giúp Chính phủ Việt Nam đáp ứng được những mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không nhận được sự đánh giá cao. Nhiều câu chuyện của các doanh nghiệp về hàng kém chất lượng, sản phẩm có chứa chất gây hại cho sức khỏe... đều bị đánh dấu và nhiều quốc gia còn khuyến nghị, cảnh báo hoặc áp đặt những quy định khắt khe cho thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó tại buổi tọa đàm nhiều ý kiến đã đề cập tầm quan trọng của phòng thí nghiệm trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam; nâng cao an toàn thực phẩm đối với con người và động vật thông qua phương pháp chuỗi; tạo sân chơi bình đẳng cho các công ty lớn, nhỏ, trong nước và quốc tế.

Bên thềm buổi tọa đàm là ba phiên đối thoại giữa các đại diện ngành quản lý thực phẩm, quản lý các phòng thí nghiệm trao đổi về thực trạng, những điểm có thể cải thiện: xuất nhập khẩu và phòng thí nghiệm/xét nghiệm; chất lượng của các phòng thí nghiệm và xét nghiệm và cách đáp ứng đủ các yêu cầu đối với phòng thí nghiệm trong thời gian tới.