Thanh toán không tiền mặt trong các bệnh viện đang gặp rào cản lớn liên quan đến phí giao dịch: tùy theo từng loại hình thanh toán/ngân hàng, người bệnh hoặc bệnh viện phải trả phí từ 0,5-3% tổng giá trị giao dịch.

Vấn đề trên được nêu ra tại Hội thảo và Triển lãm Công nghệ Y tế 4.0 (MEDTECH 4.0) do Tổng Hội Y học Việt Nam, Công ty TNHH Xúc tiến thương mại và Truyền thông BHub Việt Nam, Hội thiết bị Y tế Việt Nam và Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây.

Đại diện FPT giới thiệu về sản phẩm eHospital đã được ứng dụng tại nhiều bệnh viện trên cả nước.
Đại diện FPT giới thiệu về sản phẩm eHospital đã được ứng dụng tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Nguồn: BTC

Ông Nguyễn Trường Nam - Cục Phó Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, bày tỏ: “Không thể ngăn cản người bệnh dùng tiền mặt thanh toán viện phí. Việc của chúng ta là đưa ra các phương thức thanh toán tiện lợi không dùng tiền mặt và hướng dẫn họ thực hiện. Bởi vậy, cơ sở y tế khám chữa bệnh được khuyến cáo phải cung cấp từ 2 giải pháp trở lên.”

Trong khi đó, đại diện của Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cho biết, dù đã được triển khai gần 5 năm với 8 hình thức (QR Code, ví điện tử, thẻ ATM nội địa, thẻ visa quốc tế, qua POS….), thanh toán không tiền mặt tại bệnh viện này mới đạt tỷ lệ khoảng 54%. “Nhiều người bệnh có thẻ ATM nhưng khi vào viện vẫn sử dụng tiền mặt,” ông nói và chỉ ra nguyên nhân là phí thanh toán vẫn còn cao, khiến người bệnh không muốn chuyển từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác.

Các diễn ra trao đổi về con đường để chuyển đổi số ngành y tế.
Các diễn giả trao đổi về con đường để chuyển đổi số ngành y tế. Nguồn: BTC

Dù nhà nước đã quy định bệnh viện không được thu phí thanh toán của người bệnh, vẫn có những chi phí thanh toán mà người bệnh phải tự chi trả khi thanh toán qua các hệ thống trung gian hoặc sử dụng thẻ ATM của ngân hàng này nhưng thanh toán ở POS của ngân hàng khác.

“Đây là vấn đề nan giải. Năm 2021, theo thống kê, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM đã phải chi 4 tỷ đồng để hỗ trợ phí thanh toán cho người bệnh” – vị đại diện của Bệnh viện nói. Không chỉ bệnh viện mất tiền mà người bệnh khi thanh toán cũng phải chịu mức phí từ 0,5-3%, tùy từng hình thức thanh toán, nghĩa là nếu thanh toán 100 triệu đồng, họ sẽ mất thêm từ 500 nghìn – 3 triệu đồng, trong khi thanh toán bằng tiền mặt, họ không mất thêm đồng nào.

Để giải quyết vấn đề này, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM triển khai dịch vụ “giữ hộ tiền”. Nghĩa là khi vào viện, bệnh nhân có thể gửi tiền mặt tại đơn vị chuyên trách rồi được cấp một thẻ quẹt có số tiền tương ứng và sử dụng thẻ này như ATM để thanh toán các dịch vụ tại bệnh viện. Đến khi ra viện, họ sẽ được trả lại số tiền thừa. Nhưng đây chỉ được coi là giải pháp tạm thời. Đại diện bệnh viện kỳ vọng các ngân hàng chung tay hỗ trợ chi phí giao dịch và nhà nước có chính sách miễn phí giao dịch khi thanh toán viện phí.

Theo ông Lê Anh Quân - Phó Giám đốc Ban Phát triển giải pháp tài chính Viettinbank, đây là bài toán muôn thuở của các ngân hàng khi triển khai dịch vụ. Thực tế, ngân hàng thu phí giao dịch để trả cho các tổ chức khác chứ không phải thu cho mình. Đơn cử, nếu khách hàng dùng ATM của Vietcombank để thanh toán ở POS của ngân hàng Viettinbank thì phí sẽ được thu để trả cho Vietcombank. Nếu khách hàng sử dụng 100% dịch vụ tại một ngân hàng thì mới được miễn phí.

Ông Quân cho biết Viettinbank đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề xuất cơ chế giảm phí giao dịch cho một số thanh toán đặc thù như học phí, viện phí… nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Bên cạnh đó, các bệnh viện có thể cân nhắc sử dụng trọn gói dịch vụ mà ngân hàng cung cấp như cho vay mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ bảo hiểm… để được hỗ trợ chi phí giao dịch - ông Quân nói.

Theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, 50% bệnh viện hạng 2 trên toàn quốc phải kết nối với cổng thanh toán dịch vụ công quốc gia trong năm này.