Dù được thừa hưởng nhiều thành quả và kinh nghiệm của thế giới nhưng việc phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức.

Ngày 10/11, hội thảo chuyên đề “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn
với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được tổ chức tại Hà Nội trong chuỗi các hoạt động thuộc Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 (Industry Summit 4.0) do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì.

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, xu thế đô thị hóa ngày càng tăng và việc phát triển đô thị thông minh được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị. Việt Nam đã đặt mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; và từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh.

TS Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. Nguồn: BTC
TS Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. Nguồn: BTC

Dù có quyết tâm từ phía lãnh đạo Chính phủ nhưng theo ông Nguyễn Thành Phong, việc phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn do nhận thức về đô thị thông minh cán bộ địa phương còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, còn có các các nguyên nhân khác như: tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ; sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế; việc triển khai đô thị thông minh còn riêng lẻ, manh mún; các đô thị thông minh chưa mang tính đặc thù cho mỗi đô thị; nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh bao gồm cả nguồn vốn và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Góp ý về việc phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, TS Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Trung tâm Giải pháp, Tích hợp hệ thống của VNPT, cho rằng, đô thị thông minh được kết nối bởi các thiết bị IoT, tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ. Điều này đòi hỏi nền tảng hạ tầng rất lớn để lưu trữ và xử lý thông tin, nhằm đưa ra được các khuyến nghị, tư vấn cho lãnh đạo của tỉnh, thành phố; và việc ứng dụng AI là bắt buộc.

Với kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh cho hơn 30 tỉnh/thành phố, đại diện của VNPT cho rằng, thách thức của vấn đề này ở Việt Nam là việc chuẩn hóa và đầu tư cơ sở hạ tầng ICT để hỗ trợ hệ thống AI. Chi phí cho các giải pháp và thiết bị ứng dụng AI nhập ngoại đang rất cao nên ông Kiên khuyến nghị doanh nghiệp trong nước nên chủ động phát triển để hạ giá thành.

Trong khi đó, theo Dương Công Đức - Giám đốc Giải pháp đô thị thông minh (Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel), do là quốc gia đi sau so với thế giới nên Việt Nam được thừa hưởng toàn bộ thành quả, kinh nghiệm của các nước đi trước trong việc phát triển đô thị thông minh.

Công nghệ đã có sẵn và ở độ chín, vấn đề của Việt Nam nằm ở việc áp dụng để giải quyết bài toán cụ thể. Ví dụ như bài toán mà TP Huế đặt ra là phát hiện hành vi đổ rác không đúng quy định, lấn chiếm vỉa hè...

Bên cạnh đó, cần bố trí nguồn lực đầu tư cho công nghệ tương xứng. Ông Dương Công Đức đề xuất mỗi địa phương cần dành 1-2% nguồn chi của tỉnh cho hạ tầng phục vụ đô thị thông minh.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: BTC

Ngoài ra, còn cần quan tâm đến việc đào tạo, làm sao để người dân có đủ năng lực sử dụng và hưởng thụ những công nghệ của một thành phố thông minh. Có như vậy, thành phố thông minh mới thực sự phát huy giá trị của mình.

Cũng tại hội thảo, Liên minh hợp tác công tư về đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam (i-Forum for Smart City) đã ra mắt. Đây là tổ chức được Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng bảo trợ về mặt chuyên môn.

Là sáng kiến được đưa ra trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Liên minh hướng tới xây dựng một kênh kết nối, giao lưu, tăng cường sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai khối công - tư trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển hệ thống đô thị thông minh tại Việt Nam và trong khu vực.