Đây là phân loài thứ 3 thuộc loài sóc đỏ Callosciurus được tìm thấy ở Việt Nam.

Theo thông tin từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã phát hiện ra loài sóc đỏ Callosciurus finlaysonii ở đảo ven bờ Hòn Nghệ, thuộc xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Ảnh chụp hình thái ngoài mẫu chuẩn của C. f. honnghensis với thước chuẩn được sử dụng trong các mô tả gốc của phân loài mới
Ảnh chụp hình thái ngoài mẫu chuẩn của C. f. honnghensis với thước chuẩn được sử dụng trong các mô tả gốc của phân loài mới. Nguồn: VAST

Ảnh chụp Xương ngọc hành trên kính Hiển vi nhằm phân tích và mô tả hình thái của phân loài Sóc mới
Ảnh chụp xương ngọc hành trên kính hiển vi nhằm phân tích và mô tả hình thái của phân loài sóc mới. Nguồn: VAST

So sánh các chi tiết hình thái, màu sắc bộ lông, cho thấy, mẫu vật của loài có những đặc điểm khác biệt so với những phân loài của Loài Sóc đỏ Callosciurus finlaysonii đã được ghi nhận trước đây. Kết hợp với kết quả phân tích sinh học phân tử ADN và hình thái xương ngọc hành, nhóm nghiên cứu đã mô tả một phân loài mới của loài Sóc đỏ C. finlaysonii, phân bố đặc hữu ở khu vực đảo Hòn Nghệ, tỉnh Kiên Giang. Phân loài này được gọi là Sóc đỏ hòn nghệ, có tên khoa học C. f. honnghensis.

Bản đồ ghi nhận phân bố của loài Callosciurus finlaysonii và phân loài mới C. f. honnghensis tại đảo Hòn Nghệ, Kiên Giang, Việt Nam
Bản đồ ghi nhận phân bố của loài Callosciurus finlaysonii và phân loài mới C. f. honnghensis tại đảo Hòn Nghệ, Kiên Giang, Việt Nam. Nguồn: VAST

Đây là kết quả nằm trong khuôn khổ Đề tài thuộc Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hoá học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 của nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Bảo Tàng thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam kết hợp với các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Tokyo (Nhật Bản).

Loài sóc đỏ Callosciurus có 16 phân loài, phân bố ở Thái Lan, Nam Lào, Tây Nam Việt Nam, Nam Campuchia và Nam Myanmar. Các phân loài có sự khác biệt lớn về màu sắc bộ lông. Trước đây, ở Việt Nam đã ghi nhận 2 phân loài là Callosciurus finlaysonii germaini phân bố đặc hữu ở đảo Côn Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Callosciurus finlaysonii harmandi phân bố đặc hữu ở đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí quốc tế.