Theo TS Phạm Văn Anh, Khoa Sinh – Hóa, Trường Đại học Tây Bắc, loài thằn lằn ngón mới được thu mẫu tại xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, nâng tổng số loài thạch sùng ngón được biết đến ở tỉnh này lên 3 loài.

Loài thằn lằn ngón được phát hiện bởi các nhà khoa học của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Tây Bắc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội và Vườn thú Cologne (CHLB Đức).

TS Phạm Văn Anh cho biết, loài thằn lằn ngón có tên tiếng Việt của giống Cyrtodactylus thuộc họ Tắc kè (Gekkonidae), phân bộ Thằn lằn (Lacertilia), Bộ có vảy (Squamata), lớp Bò sát (Reptilia). Đây là nhóm thằn lằn thường sống trên núi đá vôi, có hình thái đẹp, có thể sử dụng để làm cảnh, quảng bá tham quan phát triển du lịch...

Mẫu chuẩn loài Cyrtodactylus sonlaensis, mẫu đực. Ảnh: Phạm Văn Anh
Mẫu chuẩn loài Cyrtodactylus sonlaensis, mẫu đực. Ảnh: Phạm Văn Anh

Sau khi được phát hiện, nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh đặc điểm hình thái và phân tích mối quan hệ di truyền giữa loài mới với các loài cùng giống được phân bố ở Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Lào và Campuchia.

Mẫu chuẩn phụ loài Cyrtodactylus sonlaensis, mẫu cái. Ảnh: Phạm Văn Anh
Mẫu chuẩn phụ loài Cyrtodactylus sonlaensis, mẫu cái. Ảnh: Phạm Văn Anh

TS Phạm Văn Anh chia sẻ: “Loài thằn lằn mới được đặt tên theo địa điểm thu mẫu chuẩn tại tỉnh Sơn La (Việt Nam). Loài mới có kích thước lớn, chiều dài thân có thể lên tới 83,2mm, có khoảng 13-15 nốt sần trên lưng, 24-42 hàng vảy bụng, 25-17 vảy dưới đùi nở rộng. Con đực có 14-15 lỗ ở mỗi bên đùi, 8 lỗ trước huyệt. Con cái thường thiếu lỗ đùi và trước huyệt, 2-3 nốt sần sau huyệt, có từ 18-21 bản mỏng dưới ngón chân thứ 4, đầu và các đốm nâu lớn hình ô van. Các đốm nâu ở cổ không liên tục, có 5 băng nâu ngang trên lưng và vảy dưới đuôi nở rộng”.

Loài Cyrtodactylus otai, mẫu đực. Ảnh: Sồng Bả Nênh
Loài Cyrtodactylus otai, mẫu đực. Ảnh: Sồng Bả Nênh

Những phát hiện mới đã được công bố trên tạp chí Zootaxa (số 4341 (1): 025–040, tháng 10/2017). Ngoài những mô tả về đặc điểm, công bố này ghi nhận về địa điểm phân bố mới của thằn lằn ngón tại Sơn La, nâng tổng số loài thạch sùng ngón được biết đến ở đây lên 3 loài.