Giải nhất cuộc thi do các cơ quan sở hữu trí tuệ tổ chức thuộc về nhóm tác giả Trần Kim Quy với quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt.

Lễ trao giải Cuộc thi sáng chế năm 2018 với "Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày" diễn ra vào tối 25/4 tại Hà Nội, đã vinh danh 10 sáng chế xuất sắc nhất có tính ứng dụng cao, góp phần cải thiện cuộc sống, thuộc nhiều lĩnh vực: cơ khí, điện tử, hóa dược, môi trường – sinh học, y dược.

Cuộc thi năm nay có sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau, từ nhà sáng chế không chuyên, nhà nghiên cứu cho tới doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, việc thu hút được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân ở mọi vùng miền, mọi tầng lớp xã hội trong cả nước phần nào chứng minh được ảnh hưởng và sức lan tỏa của cuộc thi.


Thứ trưởng Phạm Công Tạc trao giải nhất cho nhóm tác giả Trần Kim Quy. Nguồn: Bộ KH&CN.

Được khởi động từ tháng 8/2018, sau 8 tháng tuyển chọn và xét duyệt với tinh thần nghiêm túc, Ban giám khảo đã trao giải nhất cho giải pháp “quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt” của nhóm tác giả Trần Kim Quy (83 tuổi, từng là giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM), Trần Lê Quan và Trần Lê Quân. Tác giả đã sử dụng rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Các chủng vi sinh vật dùng để nhân giống, lên men sản xuất ra các chế phẩm vi sinh được tuyển chọn và phân lập từ trong đất.

Giải nhì được trao cho giải pháp "Hệ thống hộp thép mạ kẽm bọc nhựa PVC chứa đá hộc liên kết dạng bậc so le bảo vệ mái hạ lưu đập đá đổ giảm lũ quét và bùn đá" của Nguyễn Ngọc Quỳnh và các đồng tác giả tại Hà Nội giúp xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển hạn chế xói lở bờ, công trình giảm thiểu rủi ro thiên tai lũ ống, lũ quét, bùn đá tại khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở cao.

Giải ba được trao cho giải pháp “Phương pháp và hệ thống thiết bị sản xuất hỗn hợp Fullerene” của tác giả Trịnh Đình Năng (Vĩnh Phúc). Giải pháp này tận dụng các loại chất thải nông nghiệp có hàm lượng carbon cao như vỏ trấu, sọ dừa, vỏ tơ của hạt cà phê, lông vũ, cùi ngô... là những nguyên liệu có sẵn, rẻ tiền để tổng hợp ra sản phẩm hỗn hợp fullerene - vật liệu phục vụ cho nhiều lĩnh vực kỹ thuật cao như: vật liệu, điện tử...

Bảy sáng chế còn lại giành giải khuyến khích.

Được biết, giải nhất trị giá 80 triệu đồng, giải nhì - 50 triệu đồng, giải ba - 30 triệu đồng và giải khuyến khích - 10 triệu đồng. Mặc dù mức thưởng không quá cao nhưng ông Trịnh Đình Năng, nhà sáng chế không chuyên nổi tiếng với nhiều sáng chế trước đó, cho biết: “Cuộc thi đã thể hiện sự quan tâm của nhà nước và khuyến khích tinh thần sáng tạo của những nhà sáng chế không chuyên như chúng tôi”.

Cuộc thi do WIPO, KIPO và cơ quan sở hữu trí tuệ ở mỗi quốc gia tổ chức thường niên nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo để tạo ra các giải pháp mới có giá trị ứng dụng thực tiễn cao.

Hiện cuộc thi được tổ chức ở 12 quốc gia, và đây là lần thứ ba cuộc thi được tổ chức ở Việt Nam (lần đầu vào năm 2013).