Có lẽ gọi như vậy phần nào lột tả được con người ông – một dịch giả sách khoa học có nhiều đam mê với khoa học, nhưng để có được tấm bằng lại gặp không ít trắc trở.

Và cuối cùng con đường ông chọn là trau dồi kiến thức, là cầu nối giữa những kiến thức khoa học xa xôi trở thành gần gũi với bạn đọc Việt Nam.

Dịch giả Phạm Văn Thiều giới thiệu về những cuốn sách do ông chuyển ngữ. Ảnh: Lê Loan.
Dịch giả Phạm Văn Thiều giới thiệu về những cuốn sách do ông chuyển ngữ. Ảnh: Lê Loan.

Duyên hay nợ?

Thật khó để rành mạch khái niệm này, nhưng dường như Phạm Văn Thiều vừa có duyên, vừa có nợ với khoa học vật lý. Sinh ra ở Nam Định, từ nhỏ ông đã học tốt tiếng Pháp và cũng rất say mê môn toán học. Thế nhưng, ông lại từng được nhận giải ba tại cuộc thi thơ do Ty Văn hóa Nam Hà tổ chức vào năm 1962. Tức là ở con người ông có cả sự chính xác, tính khoa học logic của môn toán và cũng có cả sự mềm mại, mộng mơ của anh chàng yêu văn, với vốn ngôn ngữ mượt mà, phong phú. Chính điều này giúp ông trở thành dịch giả biến những cuốn sách khoa học tưởng chừng như khô khan, khó đọc thành những tác phẩm mang tính nghệ thuật khoa học.

Ông Thiều kể, tốt nghiệp phổ thông năm 1964, bạn bè tưởng ông thi văn, nhưng đùng một cái đỗ môn lý Đại học Tổng hợp.

Dù sức học luôn ở top cao của lớp, nhưng từ khi ra trường ông chuyển nhiều nơi, dạy học rồi nhập ngũ và cuộc đời đưa đẩy Phạm Văn Thiều dường như ngày càng xa hơn với ước mơ trở thành một nhà khoa học ngành vật lý lý thuyết.

Đến năm 1976, là giảng viên khoa cơ bản Đại học Kỹ thuật quân sự, Phạm Văn Thiều được cử đi thi nghiên cứu sinh. Khi đó ông đạt điểm chuyên môn cao nhất trong số những thí sinh vật lý lý thuyết, nhưng vẫn bị loại vì tổng hợp các môn còn thiếu nửa điểm. Rồi 6 năm sau, ông mới được cử đi thực tập sinh tại Viện Vật lý hạt nhân thuộc Đại học Paris-Sud.

Chỉ trong vòng hơn một năm theo học, ông đã có 3 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín như Physics letter; Physical review letters… Từ đây, ông Thiều nhận được nhiều lời khuyên nên tiếp tục đào sâu để hoàn thành luận văn tiến sĩ vật lý, nhưng rồi cơ hội này lại một lần nữa vuột khỏi tay khi ông vùi đầu vào thư viện nghiền ngẫm đọc các kiến thức và kịp trau dồi sử dụng thành thạo các ngoại ngữ Pháp, Anh, Nga rồi về trường quân sự tiếp tục giảng dạy.

Với vốn ngoại ngữ phong phú, từ đó ông Thiều luôn mày mò tìm kiếm những cuốn sách khoa học hay để đọc. Trong một lần - khi người thầy cũ là GS Cao Chi có trong tay bản photo cuốn “Lược sử thời gian” của nhà vật lý lý thuyết lừng danh người Anh Stephen Hawking, giáo sư đã gợi ý ông cùng dịch. “Duyên - nợ” với những cuốn sách khoa học cũng chính thức gắn với ông từ đó.
Ông Thiều kể: Khi đó tôi mang cuốn “Lược sử thời gian” đến Nhà xuất bản (NXB) Khoa học kỹ thuật nhưng ông giám đốc đã không dám nhận in vì sợ không bán được. “Rất may khi đó có anh Lê Huy Hòa - Nhà sách Xuất bản quân đội - đã đứng ra in. May hơn là sách vừa in đã bán hết và được bạn đọc Việt Nam đón nhận rất nồng nhiệt. Như vậy là sách khoa học có thị trường đấy chứ!” - ông Thiều nói.

Sách khoa học ở đâu trong hệ thống giáo dục?

Cuốn “Lược sử thời gian” đến nay đã có 10 lần tái bản, mỗi lần 10.000 cuốn, cùng với đó là một tủ sách “Khoa học và khám phá” với hơn 20 đầu sách đã được ông Thiều cùng các dịch giả phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ thực hiện. Theo NXB Trẻ, tủ sách này tự nó sống được mà không cần sự “hỗ trợ” từ các cuốn sách khác. Tức là sách khoa học vẫn có bạn đọc.
Thế nhưng ông Thiều vẫn buồn một nỗi, sách khoa học nói chung vẫn không có chỗ đứng trong các trường học.

Ông kể: “Tôi phụ trách Báo Vật lý và Tuổi trẻ nên tiếp xúc và đến rất nhiều trường học, thấy các em rất thích sách tinh hoa nhưng sách khoa học tinh hoa lại không đến được nhà trường và tới tay các em. Khi đi dạy nhiều trường chuyên của các tỉnh, phần lớn thư viện ở đó không hoạt động. Ở đó chủ yếu là các sách giáo khoa “ăn theo” chứ không tìm ra được các đầu sách khoa học” - ông Thiều nói.

Với vai trò là dịch giả, ông Thiều trăn trở chuyện phải quảng cáo hay có khi sách in nhỏ, rẻ tiền hơn và có thể bỏ túi được thì may ra sách khoa học mới đến được với đông đảo bạn trẻ yêu sách.

Đặt câu hỏi tại sao phải có những cuốn sách như thế này trong tủ sách thư viện, ông Thiều cho rằng: Nó không chỉ động viên khích lệ niềm đam mê mà nó giúp các em hiểu được sự hình thành của những ý tưởng khoa học lớn, sự hy sinh của những nhà khoa học và bồi dưỡng cho các em tư duy logic với một phương pháp làm việc khoa học.

“Với các em yêu thích đọc sách khoa học, chúng ta không kỳ vọng sau này sẽ trở thành các nhà khoa học, nhưng quan trọng hơn sẽ giúp các em có lối tư duy làm việc một cách khoa học, có căn cứ và không liều lĩnh. Tinh thần sáng tạo và bản lĩnh sẽ được hun đúc cho các em từ chính những cuốn sách đó” - ông Thiều nói.

Không chỉ qua thư viện mà ngay từ những bài giảng, ông Thiều cũng mong muốn người thầy chính là người hướng cho học sinh tới những tác phẩm hay để tìm hiểu, nghiên cứu.

Sách khoa học cũng cần cơ chế

Ngày nay dù kinh tế khá hơn, người ta có thể bỏ ra vài trăm nghìn mua những cuốn sách hay để “gối đầu giường” song số này không nhiều, với sách khoa học lại càng khó. Đặc biệt, với học sinh, sinh viên, không phải lúc nào cũng có số tiền đó để dành cho sách khoa học.
Ông Thiều bảo: Giới trẻ giờ đọc sách ngôn tình nhiều lắm. Đi vào hiệu sách thấy quầy sách ngôn tình được trang trí rất đẹp, đặt ở vị trí bắt mắt hút người xem, còn sách khoa học thì đa phần là không có, hoặc có cũng đang bị để lẫn giữa sách phổ biến kiến thức với những sách khoa học tinh hoa và thường ở những chỗ… rất khiêm tốn.

“Thay vì đọc sách khoa học hay các tác phẩm văn chương, giới trẻ đọc nhiều sách ngôn tình thì quả là nguy hiểm. Đây là điều đáng lo chứ không phải đáng mừng” - dịch giả Thiều chia sẻ đầy tâm tư.

Dù là một trong số ít dịch giả “sống khỏe” bằng nghề và sách của ông có chỗ đứng trong tủ sách trước sự lấn át của không ít cuốn sách dịch thuộc loại “hàng chợ”, song ông Thiều vẫn mong có một cơ chế để sách khoa học thực sự được coi trọng hơn.

Ông gợi ý, nếu như có cơ chế khuyến khích hoặc bắt buộc một trường phổ thông chỉ cần yêu cầu mua 2-3 cuốn sách khoa học thì lượng sách được xuất bản sẽ nhân lên rất lớn.
Từ đó không chỉ NXB hưởng lợi, người dịch có thu nhập mà các kiến thức khoa học cũng theo con đường đó tới được với học sinh, sinh viên.

“Nếu có chính sách yêu cầu trường mua sách gì, có bộ phận hướng dẫn với tủ sách cần có những đầu sách gì thì mọi việc sẽ khác ngay. Thêm cơ chế thư viện động viên các thầy hướng dẫn học sinh đọc thì mọi việc sẽ khác. Khi sách khoa học được “kích cầu”, tự nó sẽ sống khỏe” - ông Thiều gợi ý.

Nói như vậy không phải để cho mình, bởi với hơn 20 năm kiên trì, ông tạo dựng được một nghề, được một tủ sách đồ sộ với hơn 20 cuốn có tên tuổi và lượng đầu sách ngày một gia tăng, mỗi cuốn thường là vượt xa các sách thông thường; nhưng ông Thiều vẫn mong những điều lớn lao hơn, đó là đội ngũ kế cận về sau.

“Làm gì cũng vậy, tự người làm phải có được sự đam mê, nhiệt huyết, nhưng nếu được động viên hay có cơ chế thì chắc chắn sẽ có những thành công ngoài mong đợi. Bởi vì không phải ai cũng dám liều lĩnh bỏ tiền túi để chạy theo đam mê như tôi mà không biết ngày mai sẽ ra sao” - ông Thiều chân thật cho biết.

Dịch giả Phạm Văn Thiều sinh năm 1946 tại Nam Định. Tốt nghiệp ngành vật lý lý thuyết tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tu nghiệp tại Viện Vật lý hạt nhân, Đại học Paris-Sud (Pháp). Nhiều năm là giảng viên vật lý tại các trường đại học. Hiện ông là Chánh văn phòng Hội Vật lý Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Vật lý và Tuổi trẻ. Phạm Văn Thiều dịch khoảng hơn 20 cuốn sách về khoa học, trong đó có những cuốn tiêu biểu như: Lược sử thời gian; Cái vô hạn trong lòng bàn tay; Nghệ thuật và vật lý.