Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã tính toán hai kịch bản áp dụng công nghệ mới giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết thực hiện mạnh mẽ các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để tính toán khả năng đạt được tham vọng này, một nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản đã sử dụng 3 mô hình AIM/ExSS, AIM/Enduse và AIM/CGE để định lượng phát thải, gắn với các lựa chọn công nghệ, vòng đời, đầu tư và tác động kinh tế của chúng.

Kết quả cho thấy lượng phát thải khí nhà kính sẽ đạt mức cao nhất là 511 MtCO2 vào năm 2030 và giảm về 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, nghiên cứu xác định, năng lượng tái tạo và thu hồi - lưu trữ carbon là những công nghệ cơ bản để đạt được mức giảm phát thải khí nhà kính lớn. Nghiên cứu cũng ước tính các kịch bản dùng công nghệ thu hồi-lưu trữ carbon và năng lượng tái tạo có quy mô đầu tư lần lượt khoảng 300 - 400 tỷ USD, với giả định chi phí đầu tư sau năm 2022 được chiết khấu ở mức 10%.
Mức phát thải khí nhà kính theo hai kịch bản Net Zero dùng công nghệ thu hồi-lưu trữ carbon (NZ-CCS), trái, và Net Zero dùng năng lượng tái tạo (NZ-REN), phải. Ảnh: Báo cáo
Mức phát thải khí nhà kính theo hai kịch bản Net Zero dùng công nghệ thu hồi-lưu trữ carbon (CCS), trái, và Net Zero dùng năng lượng tái tạo (REN), phải. Ảnh: Báo cáo

Theo nhóm tác giả, phần lớn chi phí đầu tư sẽ nằm ở việc đầu tư cho năng lượng tái tạo và pin trong ngành điện (65-73%) và xe điện trong lĩnh vực giao thông (13-17%).

Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050.

Kết quả được nêu chi tiết trong bài báo “Net Zero Emissions Scenarios in Vietnam”, xuất bản trên tạp chí Global Environmental Research của hiệp hội AIRIES, Nhật Bản.