Công ty sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ thuê xe, đồng thời tự vận hành dịch vụ taxi của mình, với khoảng 10.000 ô tô và 100.000 xe máy điện dự kiến được đưa vào sử dụng.

Công ty logistics AhaMove đã giới thiệu đội xe 150 xe máy điện VinFast tại Đà Nẵng vào tháng 9/2022. Ảnh: AHAMOVE
Công ty logistics AhaMove đã giới thiệu đội xe 150 xe máy điện VinFast tại Đà Nẵng vào tháng 9/2022. Ảnh: AHAMOVE

Ngày 6/3, chủ tịch tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, quyết định thành lập Công ty GSM (Green – Smart – Mobility) với vốn điều lệ trị giá 3.000 tỷ đồng (~126 triệu USD), trong đó ông Vượng nắm giữ 95% cổ phần.

GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ thuê ô tô và xe máy điện để chở khách. Đồng thời, công ty này tự vận hành dịch vụ taxi bằng ô tô điện. GSM dự kiến sử dụng 10.000 ô tô và 100.000 xe máy điện, tất cả đều doVinFast, chi nhánh ô tô của tập đoàn Vingroup cung cấp.

Mục tiêu của GSM là phổ cập thói quen sử dụng xe điện tới người dân, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về sự tiện lợi, thông minh và bền vững của các dòng xe xanh.

Theo kế hoạch, hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam do GSM thành lập sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng tới tại Hà Nội, tiến tới phủ sóng toàn quốc trong năm 2023.

Trong khi đó, công ty cung cấp dịch vụ logistics AhaMove tiết lộ với The Business Times rằng họ sẽ thuê khoảng 1.500 xe điện trong năm nay để chuyển đổi một phần đội xe 120.000 chiếc của mình thành phương tiện xanh và ít phát thải carbon hơn. Tháng 9 năm ngoái, AhaMove đã bắt đầu sử dụng một đội xe máy điện VinFast tại Đà Nẵng.

Xe điện đã bắt đầu phổ biến ở Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây. Nhiều hãng xe điện Việt Nam như VinFast, Selex Motors hay Dat Bike đã bắt tay với một số công ty logistics và sàn thương mại điện tử để đưa xe điện vào sử dụng phổ biến hơn trong hệ thống giao thông vận tải và giao thông công cộng tại các thành phố lớn.

Đặc biệt, VinFast đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thu xếp gói tài chính chống biến đổi khí hậu trị giá 135 triệu USD để sản xuất xe buýt điện vận tải công cộng và mạng lưới trạm sạc xe điện quốc gia đầu tiên, góp phần phát triển giao thông xanh tại Việt Nam.

Các nhà quan sát nhận định, việc chuyển sang sử dụng xe điện thay cho xe chạy xăng dầu sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.