Nếu như các bác sỹ thẩm mỹ chỉnh sửa nét xấu cho bệnh nhân bằng dao mổ thì GS-TSKH Trần Duy Quý khắc phục khuyết điểm của cây lúa bằng bức xạ. Ông được xem là vị bác sỹ tận tụy của cây lúa.


Ở cái tuổi gần 70 nhưng chất giọng vẫn đầy hào sảng, GS-TSKH Trần Duy Quý - Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học - kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương - nói say sưa hơn một tiếng đồng hồ về những giống lúa đã được bàn tay mình “nhào nặn”. Hễ cứ nhắc đến cây lúa là ông lại trở nên trẻ trung, đầy năng lượng như vậy.

GS Trần Duy Quý giới thiệu loại gạo mới chọn tạo giống nhờ công nghệ hạt nhân.                                                                                                                                    Ảnh: Loan Lê
GS Trần Duy Quý giới thiệu loại gạo mới chọn tạo giống nhờ công nghệ hạt nhân.
Ảnh: Loan Lê

Từ bị “ép duyên” đến tình yêu sâu đậm

Kể về lý do dành cả đời cho nông nghiệp, GS Quý cho biết thực ra ban đầu ông bị “ép duyên”. Vốn là con nhà nông nhưng ông không có ý định “dính dáng” đến ruộng đồng, chỉ thích toán và y khoa. Khi vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, trớ trêu thế nào ông lại bị chuyển sang ngành sinh học. GS Quý kể: “Khi đó tôi rất buồn vì không được chọn học ngành toán. Biết chuyện, các thầy động viên, bảo đừng lo, một học sinh giỏi toán sẽ làm về di truyền rất tốt. Đến khi nghe các thầy - trong đó có GS Nguyễn Lân Dũng - giới thiệu về thế giới sinh vật hay quá, tôi đâm ra say mê sinh học từ lúc nào không biết. Vậy là ngành đã chọn tôi và tôi chọn cây lúa cho các nghiên cứu đầu tiên”. Lựa chọn này một phần cũng do chàng trai Trần Duy Quý ngày đó thấy nông dân quá khổ nên ước mình có thể làm cho năng suất lúa cao hơn, để người nông dân no ấm hơn.

Năm 1969, ông tốt nghiệp thủ khoa với luận văn về cây lúa. Cây lúa gắn với cuộc đời ông từ đó. Thế nên khi được điều sang làm việc tại Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), mới 3 tháng ông đã thấy buồn và thèm được nghiên cứu. “Cố GS Trần Đại Nghĩa đã quyết ngay cho tôi xuống trung tâm nghiên cứu. Năm 1970, tôi được cử đi đào tạo tại Liên Xô (cũ) và năm 1978 được mời đi báo cáo tại hội nghị Di truyền học lần thứ mười bốn ở Mátxcơva. Khi đó tôi là đại biểu trẻ nhất của đoàn Việt Nam gồm 9 người” - GS Trần Duy Quý chia sẻ.

Mang lúa sang Bệnh viện K để “xạ trị”

Sau 49 năm gắn bó với công việc di truyền chọn giống, GS Quý cùng các cộng sự đã chọn tạo được 27 giống lúa cùng nhiều giống đậu tương, hoa và đặc biệt thành công trong việc tạo các đột biến có lợi cho cây lúa bằng hóa chất, tia phóng xạ. Đây là hướng nghiên cứu mà một người thầy của ông được đào tạo ở Nga mang về giảng dạy tại Việt Nam và GS Quý thuộc khóa đầu tiên tiếp nhận rồi theo đuổi. Được đào tạo sâu về di truyền, chọn tạo giống, phương pháp ông hay sử dụng là lai hữu tính và đột biến thực nghiệm, tức sử dụng bức xạ gây đột biến, sau đó chọn tạo trực tiếp.

Hồi đó, GS Quý rất trăn trở việc tìm giống lúa thay thế giống nông nghiệp 8 - vốn rất phổ biến tại Việt Nam nhưng khả năng chống sâu bệnh cũng như chịu bão kém, để làm được chỉ có cách chiếu xạ để tạo đột biến và chọn giống. “Trước đây Việt Nam chưa có lò phản ứng nên muốn chiếu xạ cho hạt giống phải mang sang Bệnh viên K. Máy chiếu xạ ở đây có công suất yếu, bệnh nhân lại đông nên công việc của chúng tôi bị ngắt quãng liên tục, không chuẩn. Sau đó chúng tôi chọn cách gửi hạt giống sang Liên Xô để chiếu xạ rồi mang về chọn” - GS Quý kể.

Đầu những năm 1990, GS Quý và các cộng sự đã chọn tạo được giống lúa DT10 có khả năng chống sâu bệnh và chịu bão tốt thay thế cho giống nông nghiệp 8. Khi trồng khảo nghiệm, ông đã phải ký cam kết với người dân: Nếu thất bại, các nhà khoa học phải đền dân 100%, còn nếu thành công thì chia đều. Năm 1991 bão về, lúa nông nghiệp 8 đổ dạt hết nhưng lúa DT10 vẫn đứng vững. Thành ra, nơi trồng nông nghiệp 8 mỗi sào chỉ được 140kg, còn DT10 thì đạt 200kg. “60kg mỗi sào trội lên, người dân chia cho chúng tôi một nửa. Nhờ thế mà năm ấy nhiều người của tôi xây được nhà đấy!” - ánh mắt GS Quý sáng lên khi nhớ lại.

Sau thành công này, giống lúa DT10 được phổ biến sang hàng chục nước, trồng trên vài chục triệu hécta, năng suất rất tốt. Thậm chí ở Irắc, giống DT10 cho thu hoạch 11 tấn/hécta, trong khi ở Việt Nam chỉ đạt 7-8 tấn/hécta.

Một thành công khác của ông là giống lúa hoa phượng đỏ ở Hải Phòng: Tuy năng suất cao nhưng lại mắc 4 nhược điểm: Khi trổ bông không thoát được lá đòng nên tỷ lệ hạt lép cao, cơm bị cứng, khả năng kháng sâu bệnh kém và dễ đổ, rụng. GS Quý đã dùng công nghệ hạt nhân chiếu xạ khắc phục những điểm yếu đó, chẳng những cơm ngon, lúa có khả năng chống bệnh bạc lá, chống đổ tốt (gió cấp 7 không đổ) mà còn giảm tỷ lệ lép.

Khác với lai tạo giống, phương pháp chọn tạo giống với công nghệ bức xạ tạo ra các giống lúa thuần có tính trạng mong muốn bằng cách chiếu phóng xạ xuyên thấu vào hạt giống, gây đột biến tính trạng. “Trong thiên nhiên, tia tử ngoại cũng tạo ra nhiều đột biến. Nhờ biến dị di truyền này, thông qua chọn lọc của con người và tự nhiên, sinh vật mới đa dạng và tiến hóa hơn” - GS Quý giải thích.

Ông cho biết, lúa lai có nhiều ưu thế nhưng phải đầu tư tốn kém và cách rách. Người nông dân buộc phải mua giống khi vào vụ mới, dễ dẫn tới tình trạng độc quyền của các doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện phải nhập khẩu giống lúa lai như Việt Nam hiện nay. Vì thế, việc tạo các giống lúa thuần bằng bức xạ đem lại rất nhiều ích lợi cho người dân.

Người thầy của nhiều nhà khoa học

Được hỏi còn điều gì trăn trở sau rất nhiều thành công, GS Quý thành thật nói rằng, điều ông luôn muốn làm được nhiều hơn nữa là truyền đam mê và hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ.

Đã có không ít tiến sỹ nông nghiệp được ông đào tạo thành tài, mà tiến sỹ - Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua - nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - là một ví dụ. “Hiện tôi vẫn hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh - từ cầm tay chỉ việc tới gợi ý các hướng nghiên cứu - để có thể nối nghiệp giúp đời” - ông Quý chân thành.

Đánh giá về học trò của mình, GS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các Ngành sinh học Việt Nam - dành cho ông Quý nhiều lời tốt đẹp: “Những kết quả từ khi ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi làm lãnh đạo Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cùng với thành tích khoa học đạt được đã chứng minh cái nhìn của các thầy trước đây với cậu học trò Trần Duy Quý quả không sai. Một con người thông minh, có trách nhiệm, hăng hái và tốt bụng. Dù thành tích cao nhưng Quý khá khiêm tốn và đây là đức tính quý của một nhà khoa học”.