Chính phủ Nhật vừa ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo do COVID từ ngày 8/7 đến 22/8/2021. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng khán giả tại các sự kiện của Olympic Tokyo 2020 – diễn ra từ ngày 23/7 đến 8/8/2021 – sẽ bị giới hạn nghiêm ngặt.

Chính phủ của đương kim Thủ tướng Yoshihide Suga – đang mong muốn thông qua Olympic để quảng bá với thế giới hình ảnh của một nước Nhật kiên cường kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 - sẽ không khỏi thất vọng. Những cuộc tranh tài giờ đây sẽ có rất ít tiếng reo hò cổ vũ; bầu không khí lễ hội ở Tokyo bỗng chốc trở nên ảm đạm, đi kèm với triển vọng kinh tế quốc nội.

.

Ảnh: Nikkei Asia Review.

Tình trạng khẩn cấp tại Nhật thực ra vẫn nhẹ nhàng hơn nhiều so với lệnh đóng cửa (lockdown) vốn được nhiều nước phương Tây áp dụng trong suốt 16 tháng qua. Mọi người vẫn có thể ra ngoài mua sắm, ăn uống và sinh hoạt gần giống như bình thường, tuy phải chú ý giới hạn thời gian mở cửa nhà hàng hay hệ thống bán lẻ. Nhưng đây là lần thứ tư chính phủ Nhật phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 4/2020, với việc bổ sung thêm yêu cầu hạn chế phục vụ rượu trong các nhà hàng để phòng ngừa nguy cơ lây lan virus.

Mặc dù người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại khi không cần thiết và làm việc tại nhà trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, nhưng duy chỉ lần áp dụng đầu tiên (tháng 4-5/2020) là mang lại hiệu quả. Nhà chức trách sau đó đã cố thử những phương án tiếp cận khác như khuyến khích người dân đi du lịch kể từ mùa thu 2020 bằng một số chương trình trợ cấp nhằm kích thích ngành du lịch. Tuy nhiên, sau khi phát hiện số ca lây nhiễm mới tăng vọt vào cuối năm, tình trạng khẩn cấp lại một lần nữa được thiết lập từ 8/1 đến 21/3/2021, và đợt thứ ba từ 25/4 đến 20/6/2021.

Nước Nhật có vẻ đã không rút được nhiều kinh nghiệm từ các đợt bùng phát corona trước đó. Điều này hoàn toàn trái ngược với New York, nơi đã từng là ổ dịch lớn nhất thế giới trong mùa xuân 2020. Sau một thời gian duy trì lệnh lockdown, chính quyền Mỹ đang dần cho mở lại nhiều hoạt động mà không làm dịch bùng trở lại.

Nhiều người Nhật đang chỉ trích chính quyền vì thiếu năng lực dự báo và kiểm soát dịch hiệu quả, bên cạnh nỗi thất vọng do tốc độ triển khai tiêm chủng hết sức chậm chạp. Và họ hoàn toàn có cơ sở: tỷ lệ người được tiêm vaccine ở Nhật hiện đang thua xa hầu hết những nền kinh tế tiên tiến khác. Tính đến ngày 11/7/2021, Nhật mới tiêm được 49 liều vaccine trên 100 dân, so với 90 ở Pháp, 98 ở Đức, 100 ở Mỹ và 119 ở Anh (có những người được tiêm đủ 2 mũi)1. Không ít người Nhật tỏ ra ghen tị khi chứng kiến hình ảnh về cuộc sống bình thường không khẩu trang ở New York và các thành phố khác trên thế giới qua tivi hay YouTube.

Dư luận Nhật còn đang bị phân hóa thành hai phe: một, đòi hủy cả Olympic và Paralympic; hai, phản đối những biện pháp siết chặt các hoạt động kinh tế xã hội, nhất là giới kinh doanh nhà hàng. Chính quyền hiển nhiên không thể cùng lúc chiều lòng tất cả, cho nên đã lựa chọn phương án tổ chức những cuộc tranh tài không khán giả.

Trên phương diện kinh tế, sức mua của Nhật trong năm nay nhìn chung đã sụt giảm do chính phủ nhiều lần phải áp dụng tình trạng khẩn cấp. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, chỉ số Nikkei 225 đã tăng trưởng èo uột so với các chỉ số chứng khoán của những thị trường quan trọng khác. Triển vọng kinh tế yếu kém sẽ mang đến những rủi ro không mong muốn về mặt chính trị cho đảng cầm quyền LDP và đương kim thủ tướng Suga trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10.

Chú thích

1. Tại Nhật đang xảy ra một nghịch lý là mặc dù dư thừa vaccine (chính phủ đã mua được hơn 340 triệu liều, đủ để tiêm cho toàn bộ dân số đến cuối năm), song số người đăng ký tiêm lại rất ít do tâm lý ngại ngần. Ngoài ra, người Nhật cũng nổi tiếng là vô cùng bảo thủ, họ thường không mấy tin tưởng vào dược phẩm nhập khẩu cho nên muốn đợi các hãng nội địa cho ra vaccine riêng.

(*) Tác giả Takatoshi Ito là cựu Thứ trưởng bộ tài chính, Giáo sư trường Sự vụ Công và Quốc tế (SIPA) thuộc Đại học Columbia (Mỹ), và Giáo sư thâm niên tại Viện Cao học Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS) ở Tokyo.