Giờ đây, việc phối hợp giữa ngành canh tác có truyền thống hàng nghìn năm với những ngành công nghệ mới mẻ chưa đầy vài chục, thậm chí vài năm tuổi, là một nhu cầu rõ ràng để hướng tới nông nghiệp công nghệ cao.

Ngày 3/5, tại Hà Nội, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASATI) phối hợp với Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) cùng một số tập đoàn công nghệ như FPT, CMC, Vingroup và Công ty Tiến Nông chuyên ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp tổ chức hội thảo “Kết nối các nguồn lực KH&CN quốc tế để phục vụ thương mại hóa kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp”.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều học giả đang là giảng viên và cựu nghiên cứu sinh người Việt Nam từng có thời gian học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản cùng GS. Masaaki Tanaka thuộc ĐH Tokyo. Nội dung thảo luận gồm 4 lĩnh vực: Vi mạch, Thành phố thông minh, Trí tuệ nhân tạo, và Nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chủ đề cuối cùng được đặc biệt quan tâm.

Trang trại Delco (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)
Trang trại Delco (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)

TS. Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng phòng KH&CN trường Đại học Nha Trang, cho rằng “nông nghiệp hiện nay không thể đi một mình mà phải kết hợp với nhiều lĩnh vực khác”. Đó cũng là lý do các nhà nghiên cứu đã dành thời gian trao đổi về ứng dụng AI trong nông nghiệp, ví dụ như theo dõi đất, ước tính độ ẩm của các silo hay nhận diện nông sản theo bề mặt được tỉa, nhận diện gene lúa...

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp tại hội thảo cũng đồng thuận quan điểm rằng “công nghệ cao” trong nông nghiệp không nhất thiết phải là những công nghệ mới nhất hay tiên tiến nhất, mà Việt Nam cần có góc nhìn thực chất hơn, đó là việc “chọn được công nghệ tương xứng với nhu cầu và điều kiện thực tế” của từng vùng.

GS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, chia sẻ trong phiên thảo luận chuyên đề tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam mà ông tham dự hôm 2/5, có khá nhiều ý kiến cũng thảo luận về công nghệ cho nông nghiệp và nông trại thông minh cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng về lĩnh vực này. GS. Hồ Tú Bảo cho biết, đã có không ít đề xuất về việc cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp (bao gồm: diện tích, địa lý, thổ nhưỡng, phân loại vùng, cây trồng, mùa vụ, nhân sự, thu nhập…trong đó các dữ liệu phải được liên kết với nhau), phục vụ việc nắm bắt thông tin đến tận cấp độ đơn vị để từ đó xây dựng các dự báo và ra quyết định liên quan đến mỗi khu vực nông nghiệp hoặc toàn bộ ngành.

Để hỗ trợ về nguồn lực thông tin, Đại diện Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASATI) thuộc Bộ KH&CN, cho biết họ đang quản lý một khối lượng khá lớn cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, trong đó có các công nghệ ứng dụng cho ngành nông nghiệp, không chỉ của Việt Nam mà còn kết nối với nhiều mạng lưới khoa học lớn trên thế giới như Springer, Scopus, ScienceDirect, ISI. Chi phí tiếp cận thông tin tương đối thấp (từ 50,000 – 500,000 đồng/năm) và NASATI cho biết sẽ sẵn sàng giúp đỡ, hợp tác với các doanh nghiệp, viện trường cũng như các cá nhân có nhu cầu.