Đây là thông tin được ông Phạm Quốc Đạt, Giám đốc điều hành chương trình Hatch! Program chia sẻ với phóng viên Báo Khoa học và Phát triển nhân sự kiện Hội chợ và Triển lãm Hatch! Fair2015 & IPP Midterm Demo diễn ra trong hai ngày 31/10 và 1/11 tại Hà Nội.

Ông Phạm Quốc Đạt - Giám đốc điều hành chương trình Hatch!Program - phát biểu tại triển lãm. Ảnh: Lê Loan
Ông Phạm Quốc Đạt - Giám đốc điều hành chương trình Hatch!Program - phát biểu tại triển lãm. Ảnh: Lê Loan

Thưa ông, được biết đây là năm thứ ba Hatch! Program tổ chức sự kiện thường niên Hatch!Fair. Vậy năm nay, Hội chợ và Triển lãm khởi nghiệp Hatch! Fair2015 có gì khác hơn so với mọi năm?

Năm nay, sự kiện Triển lãm và Hội chợ khởi nghiệp sẽ hợp tác tổ chức cùng với IPP - một dự án của Chính phủ Việt Nam và Phần Lan.

Khung chương trình vẫn như mọi năm, gồm hoạt động triển lãm và hội nghị tổ chức song song. Tuy nhiên, nội dung sẽ chú trọng nhiều hơn đến những chính sách và hỗ trợ, các cơ hội và thách thức cho các đơn vị khởi nghiệp từ các tổ chức công và tư nhân. Ví dụ như, hội thảo về TPP, buổi thảo luận quy mô nhỏ về chính sách hay đầu tư thiên thần. Đặc biệt, năm nay chúng tôi có tổ chức hoạt động Speed-dating - tức là buổi kết nối “nhanh” các đơn vị khởi nghiệp với nhà đầu tư và đối tác tiềm năng. Tại đây, các đơn vị chỉ có 3 phút để thu hút sự quan tâm với các nhà đầu tư, sau đó thảo luận với họ theo từng phiên 10-15 phút.

Với tư cách một nhà tổ chức, ông nhận thấy có sự thay đổi rõ nét nào trong cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) tại Việt Nam thời gian qua?

Trong thời gian qua, start-up Việt Nam có nhiều dấu mốc và thành công nhất định. Mọi người đều biết và nhắc đến Flappy Bird như một câu chuyện thành công cho khởi nghiệp. Tuy nhiên, những đơn vị như vậy tại Việt Nam cũng có rất nhiều, ví dụ như the Kafe, Vexere, Ticketbox, Giaohangnhanh... với những cuộc gọi vốn và đối tác chiến lược lên đến con số triệu đô cùng với sự mở rộng về thị trường. Điều này cho thấy chất lượng các đơn vị khởi nghiệp đang tăng lên đáng kể, thu hút được sự chú ý của các quỹ đầu tư, không chỉ trong nước mà còn quốc tế (đặc biệt là Singapore, Nhật, Mỹ).

Trước đây, hầu như các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đều đến từ các đơn vị tư nhân như Hatch! Program, Topica… thì hiện nay, các đơn vị công cũng trở nên tích cực hơn trong hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp thông qua sự ra đời của các quỹ ODA như IPP, BIPP hay của Chính phủ Việt Nam, VIIP.

Bên cạnh đó, gần đây cũng có rất nhiều các mô hình co-working space (không gian làm việc nhóm) dành cho các đơn vị khởi nghiệp có thể đến làm việc và giao lưu với những đơn vị khác hay những người làm việc tự do (freelancers). Hatch! hiện cũng có một không gian làm việc như vậy và trong thời gian tới, chúng tôi mong có thể hỗ trợ không gian làm việc tới nhiều đơn vị khởi nghiệp hơn.

Ngoài Triển lãm và Hội chợ khởi nghiệp thường niên, Hatch! Fair còn dự định tổ chức gì để tạo thêm sân chơi cho start-up?

Thực tế, Hatch! Fair là sự kiện thường niên do Hatch! tổ chức, không chỉ tạo cơ hội kết nối và trao đổi thông tin, mà còn là sự kiện tổng kết các hoạt động của Hatch! trong thời gian đã qua. Chúng tôi có các hoạt động chuyên hơn về tư vấn khởi nghiệp và tạo kết nối đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp giai đoạn mở đầu. Cụ thể hơn, Hatch! phối hợp với một số đối tác tổ chức cuộc thi hoặc khóa học đào tạo ngắn hạn, sau đó lựa chọn các đơn vị tiềm năng để tư vấn chuyên môn và giới thiệu đầu tư giai đoạn đầu. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung vào xây dựng và tăng chất lượng của các đơn vị thuộc danh mục đầu tư hiện tại, tạo nhiều kết nối và đầu tư hơn nữa.

Cố vấn (mentor) giỏi là yếu tố cực kỳ quan trọng để một doanh nghiệp start-up có thể thành công. Vậy, với vai trò cầu nối của mình, Hatch! đã có những cách thức nào để kết nối giữa mentor và start-up trước, trong và sau hội chợ?

Đúng là việc tìm kiếm cố vấn cho một nhóm thực sự khó, bởi cố vấn sẽ cần có một sự cam kết (commitment) nhất định với nhóm để có thể cập nhật thông tin và hỗ trợ team đúng lúc. Tại Hatch!, chúng tôi tổ chức các hoạt động như coffee talks, hoạt động đào tạo ngắn hạn và cuộc thi khởi nghiệp hằng năm để có thể tìm được các đơn vị khởi nghiệp và hỗ trợ họ trong thời gian đầu. Sau đó, các đơn vị sẽ được “ra mắt” trong các sự kiện kết nối (networking event) và sự kiện cuối năm, cũng như giới thiệu trực tiếp với mạng lưới cố vấn của Hatch! để tìm được cố vấn phù hợp. Phù hợp ở đây là mình đề cập đến mối quan hệ làm việc và kinh nghiệm/lĩnh vực hoạt động của cố vấn đó.

Ngoài IPP, Hatch!Program có dự định kết hợp với những tổ chức, quỹ nào khác để tiếp tục hỗ trợ các start-up Việt Nam?

Có chứ. Hiện tại Hatch! có kết nối với một số tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ (trong và ngoài nước, nhưng chủ yếu từ Singapore) để có thể hỗ trợ các đơn vị. Họ sẽ cùng Hatch! hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Hatch! cũng vừa mới khởi động mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần - những người sẽ đầu tư vào khởi nghiệp giai đoạn đầu (Hatch! Angel). Chính vì vậy trong Hatch! Fair 2015 và IPP Midterm Demo năm nay, chúng tôi dành một buổi chiều ngày 31/10 để chia sẻ và kết nối đầu tư thiên thần.

Ông có thể đưa ra những lời khuyên nào cho các start-up Việt Nam mới bắt đầu khởi nghiệp trên con đường đi tới thành công?

Tích cực kết nối (Networking) và tham gia các sự kiện như Hatch!Fair 2015& IPP Midterm Demo. Những cá nhân và tổ chức góp mặt ở các sân chơi này đều là những người tiềm năng cho các đơn vị để có thể tìm nhân sự, tìm cố vấn và tìm đầu tư.

Bản thân họ không trực tiếp đầu tư thì cũng có thể kết nối bạn với những người quan tâm, nếu bạn cởi mở chia sẻ với họ sản phẩm, thị trường và nhu cầu của đơn vị bạn.

Xin cảm ơn ông!

Hatch!Fair 2015& IPP Midterm Demo thu hút được 45 doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) tham gia, trong đó 70% thuộc lĩnh vực công nghệ, 15% thuộc lĩnh vực Y tế, 15% còn lại là các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau .

Sau triển lãm, 19 start-up được IPP đầu tư, các doanh nghiệp khác hầu hết đều nhận được dịch vụ hoặc lời đề nghị hỗ trợ. Doanh nghiệp khởi nghiệp dành chiến thắng trong cuộc thi Hackathon For Social Good là Nobita. Cuộc thi Hatch!Battle cũng tìm được chủ nhân mới khi Hamona giành giải nhất với tiền thưởng là 2.000USD, Beeketing giành giải tham gia Hội nghị Khởi nghiệp SLUSH Phần Lan và Ezcloud giành được giải tham gia Hội nghị Khởi nghiệp Seedstars World Thụy Sỹ.