Từ 16/8/2019, các quy định về Hỗ trợ pháp lý cho đối tượng riêng là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có hiệu lực

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/06/2019 của Chính phủ về “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” có hiệu lực từ ngày 16/08/2019, quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Trước khi có nghị định 55, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho tất cả các loại hình doanh nghiệp nói chung được thực hiện theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP nhưng do một số vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp thực tiễn mà một số trường hợp ở một số nơi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và chưa bố trí được kinh phí cho công tác hỗ trợ.

Trong nghị định mới, các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV gồm 2 nhóm: (i) Nhóm hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật (từ Điều 5 đến Điều 9); và (ii) Nhóm hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 10 đến Điều 13).

Điểm mới là tại nhóm 1, cơ sở dữ liệu sẽ bao gồm cả các tài liệu tham khảo về vụ việc vướng mắc pháp lý đã xảy ra, các bản án, quyết định của tòa án, các văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp, các văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật… (được phép công khai), qua đó nâng cao hiểu biết và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đi sau.

Nhà nước hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho các hoạt động thuộc nhóm 1 nhưng không quá từ 03 - 10 triệu/năm, tùy theo quy mô đối tượng doanh nghiệp.

Trong nhóm 2, quy định thời hạn thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV (như cung cấp thông tin, đào tạo tập huấn, giải quyết vướng mắc pháp lý,....) tối đa 05 năm kể từ ngày được phê duyệt.

Các chương trình được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của DNNVV; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho DNNVV và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Kinh phí hỗ trợ của nhà nước cho nhóm 2 tối đa không quá 50% kinh phí thực hiện chương trình, phần còn lại do tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tự chi trả hoặc từ nguồn xã hội hóa.

Mặc dù kinh phí thực hiện toàn bộ chương trình có thể dao động nhiều mức tùy theo chi phí thị trường, nhưng do Nghị định 55 không quy định mức trần về chi phí hỗ trợ của nhóm 2, nên số tiền nhà nước có thể bỏ ra sẽ áp dụng dựa trên nguồn lực của bộ, ngành địa phương và phù hợp với quy định tại Thông tư liên tịch157/2010/TTLT-BTC-BTP.

Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ pháp lý của Nghị định 55 này có thể lồng ghép với những chương trình hỗ trợ khác như Đề án hỗ trợ DNNVVcủa bộ, cơ quan ngang bộ theo nghị định số 39/2018/NĐ-CP.