Nhà máy điện gió hơn 1.000 tỷ đồng ở Bình Thuận đi vào hoạt động; buồng chuối hơn trăm nải dài 2 mét vẫn tiếp tục trổ hoa, ra quả; Apple thâu tóm trên 90% lợi nhuận toàn ngành di động... là những tin khoa học công nghệ nổi bật ngày 26/11.

Bình Thuận:Nhà máy điện gió hơn 1.000 tỷ đồng đi vào hoạt động

Phú Lạc - nhà máy điện gió thứ ba tại tỉnh Bình Thuận - bắt đầu hoạt động từ ngày 25/11 tại huyện Tuy Phong, do Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, toàn bộ thiết bị được nhập ngoại. Được hoàn thành ngày 19/9, nhà máy điện gió Phú Lạc gồm 12 turbine (mỗi turbine công suất 2MW) với 12 trụ điện gió. Turbine phát điện được đặt trên trụ cao 90 m, đường kính trụ 4 m, bên trong có cầu thang tự động lên xuống để bảo trì. Dự kiến, Nhà máy sẽ cung cấp trên 59 triệu kw/h/năm, được đấu nối vào đường dây 110KV Phan Rí-Ninh Phước. (XEM THÊM)

Các cột phong điện Nhà máy điện gió Phú Lạc.

Buồng chuối hơn trăm nải dài 2 mét vẫn tiếp tục trổ hoa, ra quả

Buồng chuối dài hơn 2m này là sở hữu của gia đình ông Vi Văn Quy (bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An). Tuy được trồng trên đất cằn nhưng nó có đến hàng trăm nải. Buồng chuối dài hơn 2m, chi chít những quả nhỏ bằng ngón chân cái. Theo lời ông Quy, cách đây khoảng 4 năm, ông đưa bụi chuối này về trồng trước nhà nhưng rất lạ là cây nào trổ hoa cũng cho buồng dài tới hơn 2m mặc dù quả rất nhỏ. Mỗi lần một cây ra hết quả, ông lại chặt đi; có tất cả 5 cây như thế và đây là cây cuối cùng. (XEM THÊM)

Buồng chuối kỳ lạ vẫn tiếp tục ra quả.

Tuyến cáp quang biển dung lượng kỷ lục châu Á có điểm kết nối ở Việt Nam

Tuyến APG (Asia Pacific Gateway) với khả năng cung cấp băng thông tối đa 54 Tbps, cao gấp 20 lần so với tuyến AAG đang hoạt động, có điểm kết nối ở Việt Nam. Đây là tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất đang hoạt động tại khu vực châu Á. Từ năm 2009, tập đoàn VNPT (Việt Nam) đã tham gia cùng APG lên kế hoạch cho tuyến cáp có chiều dài khoảng 10.400 km đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương này. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Để gia tăng dung lượng truyền dẫn quốc tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến cáp quang AAG, VNPT đã cùng với các doanh nghiệp viễn thông lớn trong khu vực đầu tư xây dựng các tuyến cáp quang biển khác. (XEM THÊM)

Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Facebook thử nghiệm tính năng tìm wi-fi miễn phí

Một tính năng có tên gọi "Find wi-fi" nằm ẩn sâu bên trong menu Tùy chọn trên ứng dụng Facebook cho iOS phiên bản mới nhất đã chính thức xuất hiện. Khi người dùng truy cập tính năng này, một bản đồ với các địa điểm, cửa hàng... cung cấp wi-fi miễn phí sẽ hiện lên với biểu tượng cột sóng màu đỏ.
Người dùng phải bật định vị GPS nhằm giúp ứng dụng lấy vị trí chính xác. Tuy nhiên, tính năng này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm ở một số khu vực và chưa rõ thời điểm phát hành rộng rãi. (XEM THÊM)

Tính năng tìm wi-fi là bước đi tiếp theo của Facebook trong việc thu hút người dùng mới.

Năm 2017, Nhật Bản sẽ có siêu máy tính nhanh nhất thế giới

Nhật Bản đã công bố kế hoạch xây dựng siêu máy tính nhanh nhất thế giới nhằm hỗ trợ một số ngành công nghiệp tham gia các nghiên cứu quan trọng. Siêu máy tính này sẽ có giá tương đương 173 triệu USD, có thể thực hiện 130 triệu tỷ phép tính mỗi giây. Dự án mang tính chiến lược nhằm mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển này sẽ bắt đầu khởi động ngay trong năm 2017. Nếu thực hiện theo đúng kế hoạch, chiếc siêu máy tính của Nhật Bản sẽ chạm mốc tốc độ tính toán 130 petaflops, chính thức vượt mặt chiếc siêu máy tính Sunway Taihulight của Trung Quốc để trở thành siêu máy tính nhanh nhất thế giới. (XEM THÊM)

Siêu máy tính Nhật Bản được kỳ vọng sẽ giành của Trung Quốc vị trí siêu máy tính
nhanh nhất thế giới.

Công ty bảo mật Mỹ chứng minh có thể “hack” máy bỏ phiếu

Một ngày trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 8/11, trang PC World đăng tải một đoạn video do Cylance, một công ty an ninh mạng, thực hiện để chứng minh khả năng đột nhập (hack) máy bỏ phiếu điện tử Sequoia AVC Edge Mk1 và làm thay đổi kết quả bầu cử. Các chuyên gia nghiên cứu bảo mật của Cylance đã hack thành công máy bỏ phiếu điện tử vốn được sử dụng tại 13 bang của Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, trong đó có nhiều bang quan trọng giữ vai trò quyết định thắng bại của các ứng viên. Do máy bỏ phiếu điện tử sử dụng thẻ PCMCIA bên trong để lưu trữ thông tin nên Cylance đã hack bằng cách thay thế thẻ nhớ có giá 25 USD này để thay đổi tên ứng viên tổng thống cũng như số phiếu mà họ nhận được. (XEM THÊM)
Màn hình máy bỏ phiếu điện tử Sequoia.

Apple thâu tóm trên 90% lợi nhuận toàn ngành di động

Theo Strategy Analytics, Apple thu về lợi nhuận kinh doanh smartphone 8,5 tỷ USD trong quý III năm nay. Trong khi đó, toàn ngành smartphone có lợi nhuận là 9,4 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là riêng Apple đã chiếm đến trên 90% lợi nhuận kinh doanh smartphone toàn cầu trong quý III. Xếp sau Apple là Huawei với 200 triệu USD lợi nhuận kinh doanh smartphone (2,4% lợi nhuận toàn ngành). Vivo và Oppo ở vị trí thứ ba với thị phần lợi nhuận 2,2% và các đối thủ khác chiếm 2,2% còn lại. Điều đáng nói là Samsung, đối thủ lớn nhất của Apple, đã biến mất trên bảng xếp hạng khi để tuột vị trí vào tay các đối thủ đến từ Trung Quốc. (XEM THÊM)
Thị phần lợi nhuận smartphone toàn cầu quý III/2016.