Mới đây nhà giáo Phạm Toàn đã chuyển giao vai trò tổ chức hoạt động của nhóm Cánh Buồm cho Ban điều hành gồm năm bạn trẻ. Ông cho biết vẫn tiếp tục tham gia tư vấn, tập huấn giáo viên, và giảng dạy nhưng tất cả đều theo kế hoạch do Ban điều hành sắp xếp.

Nhà giáo Phạm Toàn là người sáng lập nhóm Cánh Buồm và tập hợp ở đó những người làm việc hoàn toàn trên tinh thần tình nguyện để cùng nhau biên soạn một bộ SGK có khả năng phát triển năng lực tự học và tự giáo dục của người học. Không chỉ đặt mục tiêu biên soạn SGK, nhóm còn muốn tổ chức việc học thành quy trình gắn với phương châm “Làm mà học, làm thì học” (Learning by doing).

Từ năm 2010 đến nay, nhóm Cánh Buồm đã biên soạn các cuốn giáo khoa: Văn và Tiếng Việt cho bậc tiểu học và trung học cơ sở; Khoa học, Lối sống, và Tiếng Anh cho bậc tiểu học (riêng Tiếng Anh còn hai cuốn lớp 4 và lớp 5 đang làm). Tổng cộng đã có khoảng 100.000 bản SGK Cánh Buồm, trong đó nhiều nhất là các cuốn Văn và Tiếng Việt bậc tiểu học, được xuất bản bằng các nguồn lực xã hội do nhóm quyên góp. Bộ SGK Cánh Buồm cùng phương pháp học “Learning by doing” hiện đang được sử dụng tại một số trường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Nhà giáo Phạm Toàn giữ vai trò trưởng nhóm Cánh Buồm từ ngày thành lập cho đến mãi gần đây. Ảnh: DTT

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, nhà giáo Phạm Toàn cho biết, nhóm tập trung vào làm SGK bậc tiểu học vì đó là bậc học khó nhất - bậc giáo dục trẻ em phương pháp học. Với sức có hạn, nhóm cũng chỉ tập trung vào một số môn học mà nhóm cho là khó soạn SGK nhất, bao gồm Văn, Tiếng Việt, và Lối sống.

Có thể nói, SGK Cánh Buồm tại thời điểm mới ra đời đã phá vỡ “thế độc quyền” về tư duy SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong suốt nhiều năm, góp phần cổ vũ cho xu hướng “nhiều bộ sách giáo khoa” mà gần đây Chính phủ đã có chủ trương và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai.

Bên cạnh phát hành SGK giấy, từ tháng 10/2016, nhóm Cánh Buồm bắt đầu đưa lên mạng phiên bản điện tử với mong muốn sách được phổ biến rộng rãi hơn, đồng thời được góp ý, sửa chữa, thêm thắt… để trở thành mẫu mực, có thể tái bản dùng lâu dài.

Trong mọi hoạt động, nhà giáo Phạm Toàn, với tư cách trưởng nhóm Cánh Buồm, là người “lãnh đạo triệt để và toàn diện, còn chúng tôi chỉ xúm vào phụ họa thêm” như lời nói vui của anh Dương Trọng Tấn, một thành viên của Ban điều hành mới. “Cuốn nào ông cũng dựng khung, viết bài mẫu, phản biện cẩn thận để ‘ít sai’ nhất. Các bài trong sách ông đều yêu cầu đem ra thảo luận kĩ càng, nhiều bài duyệt hơn chục lần mới được thông qua,” anh Tấn kể. Ông cũng là người đứng ra huy động trí tuệ và đóng góp của cộng đồng để làm sách và in sách.

Tới đây, sau khi kết thúc biên soạn hai cuốn Tiếng Anh lớp 4 và lớp 5, nhóm Cánh Buồm sẽ nỗ lực hoàn thiện hệ thống sách bài tập, hướng dẫn triển khai, tập huấn giáo viên để việc đưa bộ sách vào thực tiễn thuận lợi hơn, anh Tấn cho biết.


Nhóm Cánh Buồm ra đời cuối năm 2009 trong bối cảnh người dân trông đợi ngành giáo dục cải cách và hiện đại hóa, những ý kiến đóng góp xuất hiện hầu như mỗi ngày. Nhóm Cánh Buồm chủ trương góp ý bằng cách trình ra một sản phẩm cụ thể, nhằm giải quyết phần nào những điều xã hội đang lo lắng và phê phán. Khẩu hiệu của nhóm là: Mình không làm thì ai làm?

Về cái tên Cánh Buồm, theo nhà giáo Phạm Toàn, đó là một liên tưởng đến từ những câu thơ của nhà thơ Nga Lermontov: Cánh buồm khao khát đòi giông tố bởi dường như trong giông tố có... thanh bình!

Bên cạnh biên soạn SGK, nhóm còn biên soạn sách bài tập, cẩm nang sư phạm và tổ chức dịch các tác phẩm tâm lí học giáo dục quan trọng của Jean Piaget, Howard Gardner thành Tủ sách Tâm lí học giáo dục Cánh Buồm.