Theo NGƯT Đỗ Xuân Cẩm, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế cho biết thêm: “Nguyên nhân mà loại nấm này nở rộ có thể là do loại phân mà người dân dùng để bón cho cây thanh trà có chứa các bào tử nấm".

Ông Nguyễn Phước Quang cho hay, mỗi cây nấm từ lúc mọc lên cho tới lúc tàn phải mất gần 1 tháng.  Ảnh: Đ.Hoàng
Ông Nguyễn Phước Quang cho hay, mỗi cây nấm từ lúc mọc lên cho tới lúc tàn phải mất gần 1 tháng.

Nấm lạ xuất hiện trong vườn

Những ngày vừa qua, khá đông người đổ về thôn Lương Quán để được tận mắt chứng kiến hàng trăm cây nấm lạ mọc dưới vườn thanh trà. Phần lớn mọi người đến đây đều rất ngạc nhiên trước kích thước “khổng lồ” của một loại nấm mà họ chưa từng nghe hay thấy bao giờ.

Bà Nguyễn Thị Giỏi, hộ dân có nhiều nấm lạ “khổng lồ” mọc trong vườn cho biết: "Đây không phải là lần đầu tiên loại nấm lạ này xuất hiện tại vườn thanh trà nhà tôi. Hai năm trở lại đây, cứ sau những trận mưa là chúng mọc lên nhưng thường chỉ có vài cây. Năm nay mới thấy loại nấm lạ này mọc nhiều và kích thước lớn đến vậy”.

Theo quan sát của phóng viên, loại nấm lạ này không mọc thành đám nhưng khá thẳng hàng. Thân nấm có màu vàng nhạt, cao từ 20-25cm. Tai nấm có kích thước khá lớn, đường kính vào khoảng 35-40cm. Một vài cây nổi trội còn có kích thước lớn hơn. Đặc biệt bên trong thân nấm có màu đỏ sẫm, khi tàn có mùi hôi khá khó chịu.

Theo phản ánh của người dân địa phương, nấm lạ mọc ở dưới gốc cây thanh trà khi tàn khiến cho rễ cây thanh trà có nhiều vết u khác thường. Nếu không chặt bỏ những phần có khối u này thì sau một thời gian cây thanh trà sẽ chết. Loại nấm này phát triển khá nhanh, trong khi diện tích đất đai của các hộ dân tại thôn Lương Quán đều chủ yếu trồng cây thanh trà nên mọi người rất lo ngại sự lây lan và ảnh hưởng xấu của nấm lạ đối với loại cây này.

Ông Nguyễn Phước Quang - Thủ tự phủ Nguyễn Phước Gia trang, đối diện với vườn nấm - cho biết thêm: “Tôi đã sống ở đây mấy chục năm nhưng lần đầu tiên thấy loại nấm to mà lạ đến như vậy. Cây nấm này từ lúc mọc đến tàn phải hơn nửa tháng, có nhiều cây khi trưởng thành to gấp 4-5 lần bàn tay người lớn. Người dân địa phương không ai biết đây là loại nấm gì”.


Thân của cây nấm lạ to bằng cổ tay của người lớn.

Thân của cây nấm lạ to bằng cổ tay của người lớn.

Chuyên gia khuyến cáo không nên ăn

Hiện tại, không chỉ có vườn của bà Nguyễn Thị Giỏi mà vườn của một số hộ dân xung quanh cũng bắt đầu xuất hiện một vài cây nấm lạ. Nấm lạ gây ra sự tò mò cho nhiều người, nhưng hầu hết mọi người đều dè chừng, không dám hái về ăn hoặc bán.

Ông Lê Cảnh Nghĩa (68 tuổi, trú tại đường Bùi Thị Xuân, TP Huế) chia sẻ với phóng viên: “Cây nấm có kích thước to lớn khác thường quá. Không biết nó độc hại ra sao thì tốt nhất là không nên tiếp xúc trực tiếp. Nếu lỡ chạm vào thì nên rửa tay sạch sẽ, phòng tránh vẫn hơn”.

Để có cách nhìn chuyên sâu hơn về loại nấm lạ này, PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia nghiên cứu về nấm sinh học thuộc ĐH Huế. Theo PGS.TS Ngô Anh (khoa Sinh học, ĐH Khoa học Huế) nhận định: “Qua quan sát có thể khẳng định nấm lạ “khổng lồ” tại Huế thuộc nhóm Nấm lớn, chi Boletus. Đây là loại nấm thường mọc lên sau mưa và tàn sau 3-4 ngày. Dưới điều kiện thời tiết thuận lợi, cộng thêm với chất dinh dưỡng có sẵn trong đất, các bào tử của nấm có thể sinh sôi phát triển nhanh chóng. Dù biết là thuộc chi Boletus, nhưng để biết nấm này độc hay không độc, quý hay không quý thì cần phải xác định cấu trúc phân tử mới biết được loài. Trước mắt chúng tôi khuyến cáo người dân không được ăn loại nấm chưa xác định được nguồn gốc này”.

NGƯT Đỗ Xuân Cẩm, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế cho biết thêm: “Nguyên nhân mà loại nấm này nở rộ có thể là do loại phân mà người dân dùng để bón cho cây thanh trà có chứa các bào tử nấm. Các bào tử nấm này có thể phát tán ra các vườn xung quanh theo không khí hoặc theo dòng nước. Gặp điều kiện môi trường thuận lợi thì nấm phát triển mạnh. Do trong nấm có lượng đạm cao nên khi thối rữa sinh ra mùi hôi khó chịu. Loại nấm “khổng lồ” này thường xuất hiện nhiều ở trong rừng nên việc lần đầu xuất hiện tại Huế dễ khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nấm lạ sau khi tàn thì các bào tử nấm sẽ lưu lại trong đất. Qua nhiều năm các bào tử càng tồn tại nhiều hơn nên việc gặp điều kiện thuận lợi, cây nấm lạ phát triển nhiều hơn năm sau cũng là điều dễ hiểu.Hiện tại, để bảo vệ vườn thanh trà của mình, nhiều hộ gia đình đang chọn giải pháp tạm thời là rắc vôi bột lên thân nấm để cây nấm tự chết.

Nếu là nấm quý hiếm, địa phương sẽ bảo vệ

Trao đổi với PV, ông Hoàng Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho biết: “Đây quả thật là loại nấm to và lạ lần đầu tiên tôi thấy xuất hiện tại địa phương. Sắp tới chúng tôi sẽ cho người về kiểm tra, xem xét. Nếu đây là một loại nấm quý hiếm thì địa phương sẽ có biện pháp bảo vệ hợp lý”.