Trung bình mỗi người mua sắm trực tuyến Việt Nam đặt 104 đơn hàng mỗi năm, cao gần gấp đôi mức trung bình của các nước Đông Nam Á.

Con số trên được đưa ra trong báo cáo Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2021 (E-Commerce Southeast Asia (SEA) Barometer 2021 Report).

Báo cáo do công ty logistics Ninja Van Group kết hợp với Mạng chuyển phát bưu kiện đến từ châu Âu DPD Group thực hiện khảo sát trực tuyến qua biểu mẫu với hơn 9.000 người có nhiều kinh nghiệm mua sắm trực tuyến và lượng đơn đặt hàng nhiều hàng tháng tại 6 quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore) trong tháng 7/2021.

70 triệu người bắt đầu mua sắm trực tuyến kể từ khi COVID-19 xuất hiện

Theo nghiên cứu của Facebook & Bain Company, Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của làn sóng mua sắm trực tuyến khi đại dịch xuất hiện 2 năm trước đây. 70 triệu người Đông Nam Á bắt đầu mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử kể từ khi đại dịch xuất hiện và con số này dự kiến sẽ tăng lên 380 triệu người vào năm 2026.

Báo cáo của Ninja Van Group và DPD Group cho biết, 70% số người được hỏi bắt đầu mua hàng trực tuyến trong hai năm xảy ra đại dịch. Trong đó, người mua hàng trực tuyến Việt Nam thuộc nhóm mua nhiều nhất với 104 đơn hàng/năm, gấp đôi người Malaysia (46 đơn/người/năm). Con số trung bình của khu vực là 66.

12 tháng qua (tính từ 7/2020-7/2021), chỉ riêng Ninja Van Group đã giao khoảng 2 triệu bưu kiện mỗi ngày trên toàn khu vực. Trong tháng gần nhất được hỏi, trung bình mỗi người mua hàng trực tuyến trong khu vực nhận trung bình 6,5 bưu kiện, trong khi người mua hàng Việt Nam nhận 7,1 bưu kiện.

Với tỷ lệ mua sắm mạnh tay như vậy, không khó hiểu khi số đơn hàng online của Việt Nam chiếm 15% tổng số đơn hàng mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, ngang hàng Philippines và đứng sau Thái Lan với 16%.

Chia sẻ về lý do yêu thích mua sắm online, những người được khảo sát chỉ ra 2 yếu tố quan trọng là săn lùng được những món hàng giảm giá (72%) và được giao hàng miễn phí (38%).

Để ra quyết định mua sắm, hơn 80% số người được hỏi cho biết tin vào phản hồi của những người đã mua hàng trước đó hoặc của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs). Con số này ở Việt Nam là 87%.
Sự tin tưởng của người mua hàng trực tuyến vào các đánh giá về sản phẩm mạnh mẽ tới mức báo cáo này khuyên doanh nghiệp bán hàng không nên coi thường. Có tới hơn một nửa số người mua sẵn sàng tham gia thảo luận, đánh giá chất lượng sản phẩm sau khi mua hàng qua các website hay ứng dụng.

52% số người mua sắm trực tuyến đặt hàng xuyên biên giới

Không chỉ mua sắm trong nước, người Đông Nam Á còn đặt hàng xuyên biên giới. Hơn một nửa số người được hỏi đã mua hàng từ cả các nước trong và ngoài khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Hành vi tiêu dùng này là một tín hiệu mạnh mẽ khiến các nhà bán lẻ trực tuyến cần nhìn xa hơn và cân nhắc việc mở rộng cơ sở trong khu vực hoặc thậm chí trên toàn cầu.

Tuy nhiên, chỉ 1/3 số người từng đặt hàng xuyên biên giới hài lòng với các dịch vụ. Số còn lại cho rằng có nhiều yếu tố cần được cải thiện như giá cả, địa điểm giao hàng…

Gần 80% người mua hàng thích được giao tận nhà

Giao hàng tại nhà là lựa chọn đầu tiên của 79% số người được hỏi. Ở Việt Nam, con số này là 74%. Người Việt và Thái Lan có phần khác bốn quốc gia còn lại khi có lần lượt 50% và 40% cho biết thích giao hàng đến nơi làm việc.

Báo cáo cho rằng, giao hàng - bước cuối cùng của mua sắm trực tuyến - đóng góp đáng kể vào trải nghiệm tổng thể của hành trình mua sắm. Có đến 89% số người tham gia khảo sát chia sẻ, họ muốn biết về công ty thực hiện việc chuyển phát nhận bưu kiện. Thông tin này phần nào tạo ra sự yên tâm cho người mua hàng.

Đối với người mua sắm trực tuyến ở 5 trong số 6 quốc gia được khảo sát (trừ Việt Nam), tính năng được yêu thích nhất là theo dõi giao hàng theo thời gian thực bởi nó cho phép họ biết chính xác thông tin đơn hàng - đơn hàng đã đi tới địa điểm nào, ai là người nhận hàng, thời gian giao hàng dự kiến...