Tổng Giám đốc Bùi Trọng Dũng “ông trùm” sản phẩm tấm ốp nhôm nhựa đất Bắc,một trong hai người tiên phong đưa công nghệ sản xuất tấm ốp nhôm nhựa phức hợp về Việt Nam 10 năm trước, đưa thương hiệu Alcorest và Alcorest đứng vững trên thị trường Việt với 40% thị phần.


Gọi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhôm Việt Dũng Bùi Trọng Dũng là “ông trùm” sản phẩm tấm ốp nhôm nhựa đất Bắc cũng không ngoa, bởi ông là một trong hai người tiên phong đưa công nghệ sản xuất tấm ốp nhôm nhựa phức hợp về Việt Nam từ hơn 10 năm trước đây với thương hiệu Alcorest và Alcorest đã khẳng định sự khác biệt bởi chất lượng vượt trội, đứng vững trên thị trường Việt với 40% thị phần.

Ông Bùi Trọng Dũng - Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhôm Việt Dũng.  Ảnh: Trọng Tài
Ông Bùi Trọng Dũng - Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhôm Việt Dũng. Ảnh: Trọng Tài

Thâm trầm, không bóng bẩy, khoa trương, “ông trùm” tấm ốp với xuất thân là dân kỹ thuật vẫn giữ vẻ ngoài của một kỹ sư cơ khí thuần túy hơn là một doanh nhân lăn lộn hàng chục năm chốn thương trường. Nếu muốn tìm hiểu các thông số kỹ thuật sản phẩm, hay địa chỉ đại lý phân phối với từ khóa “Alcorest” chỉ cần gõ tìm kiếm là ra hàng chục nghìn kết quả sau chưa đầy 1 giây thì thông tin về “ông trùm” của những tấm ốp nhôm nhựa - sản phẩm đột phá trong lĩnh vực xây dựng - lại chẳng thể “Google” được. Ông chủ của Nhôm Việt Dũng luôn muốn khách hàng nhớ tới sản phẩm hơn người làm ra chúng… Và cũng thật tình cờ cùng chút may mắn, trong một buổi “trà dư, tửu hậu” dịp đầu xuân, tôi được cùng ông nhìn lại con đường của một đại gia đi lên từ đôi bàn tay biết làm chủ máy móc và khối óc không ngừng lĩnh hội tri thức.

Từ chối ước mơ để khai phá chính mình

"Sinh ra và lớn lên tại xã Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) - một vùng quê “sôi động” bởi nơi đây là làng nghề, khá sầm uất so với các xã thuần nông xung quanh. Được nuôi dưỡng trong một môi trường như vậy nên ngay từ khi học cấp 3, tôi đã xác định rất rõ mình phải sống ở trung tâm khu công nghiệp và nếu được ở thủ đô thì càng tốt. Những ánh đèn điện xa nơi Hà Nội đã thắp lên trong tôi khát vọng sáng tạo, muốn được làm chủ dòng điện - ánh sáng của văn minh” - ông chủ của Nhôm Việt Dũng bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình.

Năm 1979, đỗ Đại học Bách khoa với điểm cao chuyên ngành điện như mơ ước, ông Dũng được tuyển chọn để đi du học. Thế nhưng, đây chính là bước ngoặt “định mệnh” đưa đẩy ông tới quyết định phải “từ chối” lần đầu tiên. “Sau gần 3 tháng chờ đợi giấy triệu nhập học mà vẫn chưa có tin, tôi buộc phải tự tìm các “kênh” để dò hỏi. Và điều không thể ngờ đã xảy ra: Tôi bị loại khỏi danh sách được du học và cũng không hiểu vì lý do gì?! Chỉ được học trong nước nhưng lúc đó các trường đều đã gọi nhập học. Tôi đứng trước hai lựa chọn: Ở nhà để năm sau vào ngành điện như khát vọng hoặc vào Đại học Cơ điện ở Thái Nguyên nhưng chuyên ngành Cơ khí, vì chỉ nơi này lúc ấy đồng ý nhận hồ sơ của tôi”.

Quyết định từ chối đeo đuổi ước mơ thuở nhỏ đã được đưa ra trong tiếc nuối nhưng không tuyệt vọng, bởi “Tôi nhìn thấy trong tương lai, nhu cầu trong lĩnh vực cơ khí sẽ ngày một nhiều”. Câu chuyện cứ vậy cuốn mạch nghe của tôi theo ông suốt 5 năm đại học, hòa theo những khó khăn, bỡ ngỡ của một sinh viên từ bỏ Hà Nội, từ bỏ ánh điện mơ ước để lên “nơi chỉ có cỏ cây và vắng hoe hoắt”, để nghiên cứu máy móc cùng các thông số kỹ thuật và rồi “khám phá ra sở trường của mình”.

“Lời từ chối có dấu ấn quan trọng tiếp theo đến vào năm cuối của đại học, khi tôi đang làm đồ án tốt nghiệp”. Năm 1984, một loạt các công trình trọng điểm của đất nước thời điểm ấy như Trung tâm sản xuất động cơ điêzen Sông Công, Thủy điện Sông Đà, Liên doanh Việt-Xô Petro hút một lượng lớn nhân lực kỹ thuật có trình độ, trong đó có cả những sinh viên sắp ra trường. Ông Dũng cũng được đưa vào “tầm ngắm”, được đề nghị cho đặc cách tốt nghiệp trước thời hạn mà không cần hoàn thành đồ án để làm việc ngay tại Thủy điện Sông Đà. “Nhưng tôi lại quyết định từ chối trở thành người của nhà nước sớm để hoàn thành đồ án. Đồ án chính là những gì tâm huyết nhất, những kiến thức tích cóp, đào sâu sau 5 năm học thì không thể phút chốc mà rũ bỏ được. Kiến thức mới là điều cần theo đuổi”.

Từ chối an nhàn để thành ông chủ

Quyết định đi tới cùng với đồ án “Thiết kế máy gia công bánh răng theo hướng hiện đại” tưởng như điên rồ, nhưng chính những kiến thức được đúc kết đó lại là viên gạch vững chắc đầu tiên xây dựng nên cơ ngơi ngày nay của Nhôm Việt Dũng. Thế nhưng con đường đưa kỹ sư cơ khí Bùi Trọng Dũng đến với thương trường không mở ra ngay sau cánh cửa đại học. Theo thời thế của những năm bao cấp, ra trường với tấm bằng giỏi nhưng vẫn phải vất vả mới có được một chỗ trong cơ quan nhà nước và mặc dù là quản lý, nhưng kỹ sư như ông Dũng thời ấy vẫn phải lăn lộn kiếm thêm sau giờ làm người nhà nước. Chính quãng thời gian ấy đã trau dồi cho người kỹ sư cơ khí khả năng nắm bắt trước nhu cầu thị trường và quan trọng hơn, trong ông hình thành rõ nét định hướng cho sự nghiệp: “Muốn đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường phải xuất phát dựa trên sở trường của bản thân”.

Dây chuyền sản xuất bên trong Nhà máy Nhôm Việt Dũng tại Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội.
Dây chuyền sản xuất bên trong Nhà máy Nhôm Việt Dũng tại Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội.

Năm 1991, từ chối cơ hội thăng tiến thành cán bộ nguồn bộ máy của cở sở, ông Dũng tự tin xin nghỉ theo chủ trương giảm biên chế trong cơ quan nhà nước. “Chính những hiểu biết tường tận về bánh răng trong đồ án thời sinh viên đã giúp tôi thành người sáng chế máy ép gạch kiểu mới với bánh răng, vòng bi được tận dụng từ bánh răng, vòng bi từ… xe tăng, xe ủi, xe xúc thanh lý. Thời đó người ta gọi tôi là “Dũng máy gạch”. Mua xe, mua đất lập xưởng Việt Dũng cũng từ những máy đóng gạch đầu tiên ấy” - ông Dũng nhớ lại ngày đầu lập nghiệp.

Làn sóng đổi mới, mở cửa trong những năm cuối của thế kỷ 20 đem lại nhiều cơ hội, nhưng kèm theo cái gọi là “cạnh tranh” giữa các doanh nghiệp. Xưởng cơ khí Việt Dũng cũng trải qua những thử thách với những mặt hàng mới ngoài máy gạch. “Nhưng ngay ở giai đoạn được coi là làm ăn tốt nhất trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng phụ trợ cho ngành sản xuất ô tô, xe máy và là đối tác cho liên doanh lớn như Toyota, Yamaha, tôi đã nhận ra không nên theo con đường này vì mình sẽ bị phụ thuộc, sẽ không bao giờ có được thương hiệu theo đúng nghĩa. Tôi một lần nữa “từ chối” bước tiếp để dừng lại tìm hiểu, rẽ sang một ngách mới”. Và quả thật, quyết định “từ chối” ấy của ông vẫn luôn đúng khi đầu những năm 2000, nhu cầu xây dựng ngày càng cao giúp ngành sản xuất vật liệu có đất phát triển. Sau một thời gian tìm hiểu, ông Dũng đã phát hiện ra tiềm năng của thị trường vật liệu mới dùng để ốp trang trí các công trình. Từ đó hình thành một dự án đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam thay cho sản phẩm nhập ngoại. Thương hiệu Alcorest - tấm ốp nhôm nhựa phức hợp - ra mắt, đánh dấu một bước chuyển ấn tượng của Nhôm Việt Dũng. Alcorest đã làm nên được sự khác biệt. “Đây chính là lúc chúng tôi thành công nhờ sự đi đầu của mình. Khi Việt Dũng bắt đầu vào thị trường này, nhiều đơn vị còn chưa hiểu rõ đó là loại sản phẩm gì, ứng dụng ra sao, kỹ thuật thế nào… Sự khác biệt ấn tượng mà Việt Dũng đem tới đó là định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm với đầu tư có chiều sâu, chuyên nghiệp, chủ động. Sự khác biệt thứ hai là định hướng lấy chất lượng sản phẩm là mục tiêu và là kim chỉ nam…”.

Câu chuyện của ông đôi lúc bị ngắt quãng bởi những báo cáo cần xử lý, những yêu cầu đặt mua sản phẩm Alcorest từ nước ngoài muốn nhận hàng trước Tết Nguyên đán nhưng công ty không thể đáp ứng vì kế hoạch sản xuất đã kín… Từ chuyện đời của kỹ sư biết làm giàu từ những điều khác biệt, tôi lan man nghĩ về “từ chối để đón nhận” - âu cũng là chút thú vị đầu xuân.

Công ty Cổ phần Nhôm Việt Dũng tiền thân là Công ty Cơ - kim khí Việt Dũng và công ty TNHH SX&TM tổng hợp Việt Dũng hợp thành, được thành lập vào 28/7/2001.

Nhôm Việt Dũng là một trong hai nhà sản xuất tại Việt Nam đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm này. Trong thời gian tới, bên cạnh thương hiệu Alcorest đã có, Nhôm Việt Dũng tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, cải tiến dây chuyền sản xuất hướng đến sản xuất hàng cao cấp. Hiện nay sản phẩm của Nhôm Việt Dũng được sử dụng rộng khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam với hơn 60 đại lý. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, sản phẩm thương hiệu Alcorest còn vươn ra thị trường quốc tế như: Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Cộng hòa Séc …