Diễn ra vào ngày 18/10, hội thảo “Công nghệ phân tích & Công nghệ môi trường phục vụ cho hóa học xanh 2018” do trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN) tổ chức đã nêu hướng nghiên cứu mới về ô nhiễm vi nhựa môi trường biển – một hiện trạng không mới của biển Việt Nam nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Hội thảo này nằm trong chuỗi hội thảo khoa học định kỳ hai năm một lần của Tiểu ban Công nghệ môi trường & Phát triển bền vững, ĐHQGHN.



Một trong nội dung nổi bật trong hội thảo là vấn đề ô nhiễm vi nhựa (microplastics), tuy được khoa học thế giới quan tâm nghiên cứu từ nhiều năm nay nhưng vẫn ít được quan tâm ở Việt Nam. Vì thế nghiên cứu “Quan trắc microplastics và hóa chất độc hại trong nước, trầm tích và mẫu sinh học: tái hiện lịch sử của ô nhiễm microplastics và tác động hóa học của chúng lên hệ sinh thái biển” (GS. Hideshige Takada của ĐH Nông nghiệp & Công nghệ Tokyo chủ trì) do GS. Phạm Hùng Việt - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu CN môi trường & Phát triển bền vững (ĐH Khoa học tự nhiên) và là đồng tác giả, trình bày được các nhà nghiên cứu có mặt tại hội thảo quan tâm. Theo GS. Phạm Hùng Việt, có một thực tế là Việt Nam phát thải vi nhựa thấp hơn nhiều so với các quốc gia công nghiệp phát triển, dù đứng thứ 4 trong số 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, do vi nhựa có thể di chuyển theo dònghải lưu từ vùng biển này sang vùng biển khác nên biển Việt Nam cũng có thể rơi vào cảnh ô nhiễm vi nhựa như nhiều quốc gia khác. Qua phân tích các mẫu trầm tích, ông và đồng nghiệp đã phát hiện vi nhựa hấp thụ và tích tụ hợp chất POPs – các hợp chất hữu cơ khó phân hủy vốn nguy hại với sức khỏe con người, từ môi trường biển. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, các nhà khoa học mới chỉ có bằng chứng về việc các hợp chất POPs nằm trong vi nhựa có thể xâm nhập các sinh vật biển tùy theo các cấp độ dinh dưỡng khác nhau nhưng vẫn chưa đánh giá được hếtcác rủi ro về môi trường khi các sinh vật biển này đi vào chuỗi thức ăn.

Theo GS. Phạm Hùng Việt, có một thiệt thòi là chưa có bất kì nghiên cứu nào về chủ đề này ở Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trong những nước có đường bờ biển dài và kinh tế biển cũng góp phần không nhỏ vào nền kinh tế. Để khắc phục vấn đề, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển & Hải đảo (Bộ Tài nguyên và môi trường) nêu vấn đề: từ nghiên cứu mang tính “mở đường” này, các nhà khoa học trong nước có thể đề xuất những dự án nghiên cứuvề ô nhiễm biểnvới cơ quan quản lý, ví dụ “Tổng cục sẵn sàng hợp tác và trao đổi với các nhà khoa học và các trường/viện về chủ đề nghiên cứu này”. Kết quả nghiên cứu của nhà khoa học sẽ là cơ sở để các nhà quản lý đưa ra những chính sách khắc phục hậu quả ô nhiễm và bảo vệ môi trường biển hiệu quả.

Sự nhiệt tình và quan điểm sẵn sàng hợp tác của nhà quản lý tại hội thảo sẽ là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam thể hiện “sự chia sẻ trách nhiệm của các nhà khoa học về các vấn đề ô nhiễm trong xã hội hiện nay”, GS. Phạm Hùng Việt nhấn mạnh. Với sự hỗ trợ này, trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ môi trường & Phát triển bền vững sẽ phối hợp với các nhà khoa học của Khoa Môi trường (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP HCM) xây dựng một dự án hợp tác với về đánh giá sơ bộ khả năng phát thải rác thải đại dương từ các nguồn kênh rạch; kích thước, lượng độc chất và nguồn phát thải. Dự án này sẽ nằm trong chương trình hoạt động của Tổng cục Biển &Hải đảo.