Ngày 21/8, tại ĐH Bách khoa Hà Nội đã diễn ra ngày hội toán học mở "Bản giao hưởng số Pi"; các nhà khoa học Australia phát triển công nghệ lớp mảng mỏng hơn sợi tóc giúp người mù lấy lại thị lực... là những tin khoa học chính sáng 22/8.

Ngày hội toán học mở “Bản giao hưởng số pi”

Ngày 21/8, tại thư viện Tạ quang Bửu (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã diễn ra ngày hội toán học mở “Bản giao hưởng số Pi”. Chương trình do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức và thu hút sự tham gia của hàng trăm học sinh, phụ huynh và các chuyên gia toán học. Học sinh đủ mọi lứa tuổi được tham gia những trải nghiệm gần gũi, thú vị với các khu vực: Xưởng trải nghiệm toán học POMath, Xưởng thực nghiệm toán học S3, tham gia Đấu trường toán học NIM… Ngoài ra, ngày hội còn có các hội thảo “Mấy góc nhìn về giáo dục toán học ở Việt Nam”, tọa đàm “Thi đấu toán học, ích gì?” với sự tham dự của các khách mời là những thầy giáo đã gắn bó với phong trào thi học sinh giỏi toán trên khắp cả nước như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn. (XEM THÊM)

 Học sinh khám phá các hình dạng của tự nhiên.
Học sinh khám phá các hình dạng của tự nhiên.

Phát hiện một loài rắn mới ở Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu

Các nhà khoa học Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Vườn Quốc gia Côn Đảo và Bảo tàng Hoàng gia Ontario, Canada vừa phát hiện và mô tả một loài rắn mới tại Vườn Quốc Gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Loài rắn mới này được đặt tên là rắn Khiếm Côn Đảo Oligodon condaoensis. Loài rắn mới này có chiều dài trung bình khoảng 60 cm, màu đen hoặc có sọc mờ dọc theo thân, bụng trắng. Rắn Khiếm Côn Đảo là loài rắn không độc, hoạt động ban ngày. Đây là loài rắn đặc hữu có vùng phân bố rất hẹp ở Côn Đảo và cần được nghiên cứu bảo tồn trong thời gian tới. (XEM THÊM)

Đặc điểm nhận dạng loài Rắn khiếm Côn Đảo.
Đặc điểm nhận dạng loài Rắn khiếm Côn Đảo.

Sàn nhà thông minh nở rộ

Hãng Future Shape vừa cho ra mắt sản phẩm SensFloor hoạt động theo cách thức gắn cảm biến vào lớp thảm sàn nhà rồi sau đó gửi dữ liệu liên quan về trung tâm xử lý. Chẳng hạn tại một bệnh xá ở Pháp, nhờ SensFloor mà các y tá biết được có bệnh nhân vừa ngã trên sàn nhà để hỗ trợ ngay tức khắc. Ngoài theo dõi chuyển động trên bề mặt, sàn nhà thông minh còn tạo ra điện để sử dụng hàng ngày. Đó là công nghệ sàn nhà PowerLeap của Elizabeth Redmond sử dụng đặc tính áp điện để thắp sáng hệ thống đèn xung quanh. Tuy nhiên, giá cả lại là vấn đề đáng lưu tâm. Với mỗi m2 sàn nhà thông minh của Pavegen, người dùng sẽ phải bỏ ra hơn 1.600USD (XEM THÊM)

Sàn nhà thông minh của hãng Pavegen.
Sàn nhà thông minh của hãng Pavegen.

Trẻ sinh đôi sống thọ hơn trẻ sinh một

Một nghiên cứu của ĐH Washington (Mỹ) công bố trên tạp chí Plos One cho thấy trẻ sinh đôi sống thọ hơn trẻ sinh một. Các nhà nghiên cứu tập trung phân tích gần 3.000 cặp sinh đôi cùng giới tính sinh ở Đan Mạch trong thời gian 1870-1900, sau đó so sánh với tuổi thọ trung bình của dân số Đan Mạch. Tuổi thọ trung bình nam giới thời điểm đó là 45. Cứ 100 nam giới sinh một thì có 84 người sống qua tuổi 45. Con số này ở nam giới sinh đôi là 90. Tuổi thọ trung bình ở phụ nữ thời điểm đó là 60. Tỉ lệ phụ nữ có anh chị em sinh đôi sống thọ hơn phụ nữ không có anh chị em sinh đôi là 10%. (XEM THÊM)


Lớp màng mỏng hơn sợi tóc giúp người mù lấy lại thị lực

Các nhà khoa học Australia phát triển công nghệ nuôi cấy tế bào giác mạc trên lớp màng hydrogel trong suốt, có thể dùng để cấy ghép mắt và phục hồi thị lực cho người mù. Nhóm nghiên cứu lấy mẫu tế bào giác mạc của cừu, nuôi cấy chúng trên lớp màng hydrogel để tăng số lượng tế bào rồi ghép lại vào mắt. Sau khi ghép lại vào mắt, các tế bào mới sẽ tiếp nhận độ ẩm từ tuyến lệ của mắt để phát triển khỏe mạnh. Nếu có thể ứng dụng trên người, công nghệ này sẽ giúp thay đổi cuộc sống của khoảng 10 triệu bệnh nhân trên khắp thế giới. (XEM THÊM)

 Lớp màng hydrogel có thể giúp người mù nhìn trở lại. Ảnh: Wordpress.
Lớp màng hydrogel có thể giúp người mù nhìn trở lại. Ảnh: Wordpress.

Chế tạo thành công bao bì có thể tự phân hủy

Để thay thế các loại bao bì bằng nylon khó phân hủy và gây ô nhiễm môi trường, một kỹ sư người Mỹ tên là Paul Tasner mới đây đã chế tạo thành công loại bao bì có tên là Karta Pack, có thể dễ dàng phân hủy trong đất. Ông Tasner cho biết Karta Pack là loại bao bì có cùng chất lượng như các loại túi nylon khác, song có kết cấu không bền vững về phương diện sinh học nên có thể dễ phân hủy. Ngoài ra, Karta Pack còn được sản xuất với nhiều hình dáng và mẫu mã hấp dẫn, có màu sắc, tạo ra cảm giác thú vị cho người sử dụng. (XEM THÊM)

Kỹ sư Paul Tasner - tác giả của loại bao bì có thể tự phân hủy.
Kỹ sư Paul Tasner - tác giả của loại bao bì có thể tự phân hủy.

Lỗ thủng ở tầng ôzôn đã được hàn gắn

Một nghiên cứu được công bố vào cuối tháng trước trên tạp chí Science mới khẳng định rằng lỗ hổng trong tầng ôzôn bảo vệ trái đất đang bắt đầu thu nhỏ lại. Các nhà khoa học khẳng định rằng lý do cho sự cải thiện này là giảm việc thải các hóa chất nhân tạo vào bầu khí quyển của Trái đất. Những hóa chất này được gọi là chlorofluorocarbons hay tên rút gọn là CFC. Báo cáo mới tin chắc là các lỗ thủng ôzôn bị thu hẹp là do lệnh cấm chlorofluorocarbons (CFC) trên toàn thế giới. Quá trình thu nhỏ lỗ thủng ôzôn diễn ra sớm hơn cả mong đợi của giới khoa học, quá trình này vẫn đang liên tục diễn ra. Lỗ thủng ôzôn sẽ không được hoàn toàn đóng lại ít nhất trong vòng 30 năm nữa. Ước tính các lỗ thủng này có thể sẽ không còn vào khoảng năm 2050. (XEM THÊM)

Tầng ôzôn được chụp vào năm 1994 (Nasa).
Tầng ôzôn được chụp vào năm 1994 (Nasa).

Công nghệ pin mới giúp kéo dài tuổi thọ smartphone

Một loại công nghệ pin mới có tên lithium-metal sẽ bắt đầu được tích hợp vào đầu năm sau, giúp kéo dài dòng đời cũng như tăng hiệu suất gấp đôi cho điện thoại thông minh. Công nghệ pin mới với kích cỡ tương đương pin lithium-ion sẽ giúp tăng gấp đôi tuổi thọ của điện thoại thông minh, xe điện. Theo đó, nó sẽ giúp pin đạt dung lượng cao gấp đôi ion so với lithium-ion, nhờ vậy mà công suất cũng như tuổi thọ smartphone sẽ được gia tăng đáng kể. Công ty SolidEnergy Systems thuộc Viện công nghệ MIT (Mỹ) đang có kế hoạch giới thiệu viên pin lithium công nghệ cao cho điện thoại vào đầu 2017, cho xe điện năm 2018 và ngay tháng mười một này, họ đã sẵn sàng tích hợp nó cho các thiết bị drone. (XEM THÊM)

Viên pin mới có kích thước chỉ bằng một nửa nhưng đạt hiệu suất cao hơn viên pin hiện nay trên iPhone 6. Ảnh: SolidEnergySystems
Viên pin mới có kích thước chỉ bằng một nửa nhưng đạt hiệu suất cao hơn viên pin hiện nay trên iPhone 6. Ảnh: SolidEnergySystems