Ngày 28/10, tại Nhà thi đấu đa năng - Trường Đại hoc Sư phạm Hà Nội, 42 đội Robotics đến từ các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham gia Ngày hội Robothon quốc gia 2018 với chủ đề “Next Level”.

Ngày hội do Ban Quản lý khu Công nghệ Cao Hòa Lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty Cổ phần DTT Eduspec - Học viện STEM tổ chức dành cho các em học sinh ở độ tuổi từ 7 đến 12.

Trước đó ngày hội Robothon 2018 đã diễn ra ở Cần Thơ, Đà Nẵng và TPHCM. Ngày hội ở Hà Nội là ngày hội cuối cùng trong chuỗi hoạt động này.

Thí sinh tham gia Robothon 2018. Ảnh: LL

Tại cuộc thi năm nay, các đội thi đấu so tài về kỹ năng lập trình qua 2 vòng là vòng loại và vòng chung kết.

Ở vòng loại, robot có nhiệm vụ lấy và di chuyển HUB (là các bánh xe tượng trưng bằng nhựa) về nơi quy định. Sau đó, robot phải quay về vị trí đỗ xe - nằm dưới thanh treo - rồi tự treo mình trên thanh ngang.

Ở vòng chung kết, nhiệm vụ của robot là lấy 2 HUB ngẫu nhiên tại khu vực HUB Area và di chuyển HUB vào 2 vị trí Spawn Area ngẫu nhiên. Sau cùng, thí sinh cho robot di chuyển để lấy HUB đưa vào vị trí Building Zone đã quy định.

Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó trưởng ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc, và ông Nguyễn Thế Trung -Tổng giám đốc Công ty DTT, trao giải cho 2 đội vô địch robothon 2018. Ảnh: LL

Bà Trần Thị Hoài Diêng, Đại diện Ban tổ chức, cho biết: Năm nay, ban tổ chức đẩy mạnh phát triển tư duy và kỹ năng lập trình cho các bạn học sinh. Học sinh thi Robothon trải qua 2 vòng thi đấu. Ở vòng 1 các em làm bài theo đề có sẵn và đã được thầy cô hướng dẫn. Vòng thi thứ 2 là vòng phát triển tư duy và thể hiện kiến thức lập trình. Ở vòng này, giám khảo sẽ đưa ra một bài toán ngẫu nhiên và các bạn học sinh phải tự vận dụng kiến thức đã học cùng khả năng phân tích tình huống để xử lý giải bài toán của ban giám khảo trong vòng 30 phút.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Trung - Tổng giám đốc Công ty DTT, từ năm 2019, cách thức tổ chức ngày hội sẽ có sự thay đổi. "Từ năm sau, các ngày hội sẽ khuyến khích phụ huynh và các con làm cùng nhau những bài tập lớn, những vấn đề gần gũi thực tế thay vì chỉ có giáo viên dạy và học sinh làm theo trong đó có ngôn ngữ lập trình, khoa học máy tính. Cũng từ năm tới, theo chương trình giáo dục mới, môn tin học sẽ có nội dung về khoa học máy tính. Khi đó, chúng ta sẽ có mặt bằng về giáo dục máy tính, giáo dục STEM khác hẳn so với cách đây 10 năm" - ông Trung cho hay.

ÔngNguyễn Trung Quỳnh, Phó trưởng ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc trao giải vô địch Wecode cho em Nguyễn Linh Anh. Ảnh: Lê Loan

Cuộc thi đã tìm ra được 23 đội xuất sắc, trao 12 giải khuyến khích, 4 giải ba, 3 giải nhì, 2 giải nhất và 2 giải vô địch.

Giải vô địch hạng trung cấp (9 - 12 tuổi) thuộc về các em Nguyễn Đức Anh, Trần Gia Huy, Kiều Hải Phong; hạng sơ cấp (7- 9 tuổi) thuộc về các em Đỗ Khắc Việt, Trần Hữu Đức Hiếu, Bành Hoàng Long. Cả hai đội này đều thuộc trường Đoàn Thị Điểm.

Các đội Robotics xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn để tham dự đấu trường Robothon quốc tế diễn ra vào ngày 25/11 tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc.