Tến sỹ Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tăng cường dạy tích hợp cho học sinh các lớp dưới, phân hóa ở các lớp trên.

Sau chuyên đề Giáo dục STEM trên báo Khoa học và Phát triển số 918, một số độc giả muốn biết ngành giáo dục Việt Nam đã làm gì để thực hiện hóa chủ trương đưa tinh thần STEM - học thông qua thực làm - vào trường học, như tiến sỹ Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - đã đề cập.

Về điều này, ông Hiển cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tăng cường dạy tích hợp cho học sinh các lớp dưới, phân hóa ở các lớp trên (ví dụ ở lớp dưới dạy tích hợp các môn khoa học tự nhiên, lên lớp trên mới phân thành các môn như toán, hóa học, vật lý, sinh học).

Các học sinh Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu tiến hành làm mô hình nhà chống động đất trong tiết học STEM. Ảnh: Lê Phượng

Tiến sỹ Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa với yêu cầu tăng cường phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.

Trước và sau khi có nghị quyết này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều hoạt động để thổi tinh thần học STEM vào môi trường giáo dục như: Tổ chức các cuộc thi khoa học và kỹ thuật (từ năm 2011); thí điểm phương pháp dạy học “Bàn tay vàng” dựa trên trải nghiệm thực tế của học sinh, bắt đầu từ bậc tiểu học; tổ chức các lớp ngoại khóa về robotics ở tầm quốc tế; phát động văn hóa đọc và lập câu lạc bộ khoa học tại các trường; thi giáo viên trung học dạy tích hợp, giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin; thi học sinh vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn...

Theo ông Hiển, đây là những việc được tiến hành nhằm mục đích lấy kinh nghiệm, nghiên cứu thực tiễn để chuẩn bị xây dựng chương trình sách giáo khoa mới, giảng dạy theo tinh thần STEM.