Công nghệ tài chính (Fintech) đang mở ra những cơ hội phát triển đầy hứa hẹn nhưng lĩnh vực này đang thiếu các điều kiện cốt yếu để bứt phá.

Các đại biểu, doanh nghiệp, thầy cô và sinh viên tham gia hội thảo Fintech ngày 20/6/2019
Các đại biểu, doanh nghiệp, thầy cô và sinh viên tham gia hội thảo

Ngày 20/6/2019, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) cùng với trường Đại học Quản trị Normandie (Cộng hòa Pháp) và Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) tổ chức Hội thảo quốc tế “Công nghệ tài chính trong nền kinh tế thông minh” (Financial Technology in Smart Economy*).

Sự kiện nhằm chia sẻ những thách thức và cơ hội đối với ngành tài chính trong thời đại chuyển đổi số dưới sự trỗi dậy nhanh chóng của ngành Công nghệ Tài chính (Fintech). Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ nội dung liên quan khuôn khổ pháp lý, khởi nghiệp và hệ sinh thái Fintech, công nghệ blockchain cho ngành Fintech và các thách thứcvề nhân lực đối với ngành.

Tham dự Hội thảo có đại diện của các cơ quan ban ngành, các chuyên gia đầu ngành của Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và công nghệ.

PGS. TS. Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN - cho biết, Việt Nam đang là quốc gia đi đầu tại khu vực Đông Nam Á trong việc tiếp cận nhiều xu hướng mới nổi trên thế giới, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực tài chính. Đối với những xu hướng, mô hình kinh doanh mới nổi như Fintech, Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động gồm cả về nghiên cứu, phát triển, đào tạo và ứng dụng. Ông Duy cho rằng thời gian tới, các bộ ngành – đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước - cần đẩy nhanh việc tạo điều kiện thuận lợi để hình thành nhiều hơn nữa các nhà sáng lập và doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech thành công.

Khoảng trống về chính sách

Với vai trò là Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, TS. Hà Huy Tuấn đề cập tới các tác động của Fintech có khả năng biến đổi ngành dịch vụ tài chính và đồng thời đem đến rủi ro nhiều chiều không chỉ đối với ngân hàng mà còn với những cơ quan giám sát và người tiêu dùng. Để hạn chế các rủi ro trên, nhiều quốc gia chấp nhận Fintech trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia từ năm 2015 đến nay đã liên tục ban hành các khuôn khổ pháp lý cụ thể về thử nghiệm, quản lý, cơ chế phối hợp và bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, “Chính sách về Fintech của Việt Nam vẫn đang dừng ở việc xác lập định hướng chung và đưa ra nguyên tắc, chứ hầu như chưa có quy định pháp lý cụ thể, chi tiết nào.”

Trong khi đó, cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều nhìn nhận Fintech là một ngành tiềm năng phát triển rất lớn. Số lượng các công ty Fintech tăng gấp đôi lên gần 100 công ty (năm 2016 có 40 công ty), trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT quan tâm, hỗ trợ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp. Dự báo giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam sẽ đạt mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Trước thực trạng trên, ông Tuấn đưa ra 4 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, nhấn mạnh việc quan trọng nhất trước mắt là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Fintech – đặc biệt ưu tiên xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các doanh nghiệp Fintech hiện có.

Cần sự hợp tác của ngân hàng

Đề cập vấn đề khởi nghiệp và hệ sinh thái cho Fintech, GS. Paul Griffiths – Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ Fintech của Đại học Quản trị Normandie (Cộng Hòa Pháp), nhấn mạnh mối quan hệ từ quá khứ đến hiện tại của các công ty Fintech đối với ngân hàng, và chỉ ra rằng hai bên có thể xây dựng mối quan hệ cộng tác ở rất nhiều lĩnh vực như quản trị dữ liệu, an ninh- bảo mật và tuân thủ (RegTech).

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, TS. Lý Văn Bảo – Giám đốc Công nghệ của ZeroTech, một người có hơn 12 năm kinh nghiệp làm việc cho các ngân hàng lớn của Pháp và hiện đang khởi nghiệp với một ứng dụng blockchain, cho rằng ngoài những ông lớn công nghệ đầy nguồn lực như Facebook tuyên bố ra nhập ngành tài chính bằng dự án tiền điện tử Libra mới đây, thì nhìn chung các Fintech nhỏ như các công ty ở Việt Nam hiện nay nên kết hợp lại để giải quyết các bài toán của những định chế tài chính lớn hơn như ngân hàng, hoàn thiện sản phẩm để chuyển giao cho đối tác, mua bán hoặc hoặc thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.

Thách thức về nhân lực

ThS. Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng nhà nước Việt Nam), cho biết theo khảo sát, nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành Fintech từ các ngân hàng cũng như cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn. Theo ông, nhân sự Fintech đòi hỏi phát triển cả 3 mặt – hiểu biết về tài chính, kỹ năng IT, kỹ năng ngoại ngữ. Tuy nhiên số lượng nhân sự đáp ứng được cả 3 đòi hỏi rất ít.

“Thậm chí, ngay chính các cơ quan xây dựng pháp lý cho Fintech hiện nay cũng không am hiểu nhiều về nó, vì vậy dù muốn, họ cũng rất khó thay đổi để bắt kịp với những mô hình sáng tạo mới như vậy”, ông Hòe chia sẻ.

Ông đưa ra các đề xuất trong vấn đề đào tạo nhân lực theo hướng tiếp cận từ cả hai phía – một bên là ngân hàng và các định chế tài chính cần chủ động đào tạo, đào tạo lại để thích nghi với những biến đổi vô cùng lớn của ngành và một bên là các trường đại học cần nắm bắt xu hướng thay đổi mạnh mẽ của thị trường để điều chỉnh định hướng, chương trình đào tạo. Đồng thời cả hai bên cần thiết lập mối quan hệ liên kết gần gũi hơn để có hiệu quả nhân lực cao hơn.

Trong buổi hội thảo, Viện Quốc tế Pháp Ngữ (IFI) – ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chính thức ra mắt phòng thí nghiệm chuyên ngành Fintech Lab (Financial Technology Lab) với định hướng trở thành phòng thí nghiệm trọng điểm của ĐH Quốc gia Hà Nội, tập trung vào phát triển 4 lĩnh vực: nghiên cứu ứng dụng; đào tạo ngắn hạn; đào tạo dài hạn chương trình Thạc sĩ Ngân hàng, Tài chính và Công nghệ tài chính; và tư vấn-chuyển giao công nghệ.

Dự kiến chương trình thạc sĩ của IFI hợp tác với trường Đại học quản lý Normandie (Pháp) sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2019. Đây được coi là một trong những bước đi tiên phong của IFI hướng tới việc cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành Fintech.

Theo các chuyên gia trong hội thảo, trước bối cảnh biến đổi của ngành tài chính, việc đưa các kỹ sư CNTT vào đào tạo bổ sung về Fintech; hoặc đào tạo thêm cho các lãnh đạo quản lý và cán bộ ngân hàng về Fintech thông qua những chương trình chuẩn quốc tế như trên là một hướng tiếp cận đáng chú ý.

*Tài liệu hội thảo xin tham khảo tại đây