Từ ngày 11 đến 13/10, tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra Ngày khoa học và công nghệ với chủ đề “Năng lượng hạt nhân cho cuộc sống tốt đẹp hơn” nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về những ứng dụng gần gũi của ngành học này trong cuộc sống.

Phòng tọa đàm với phiên đầu tiên về "Ứng dụng phi năng lượng của công nghệ hạt nhân".

Năng lượng nguyên tử “tham gia” vào mọi lĩnh vực của đời sống, từ những ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị không xâm lấn cho tới chọn tạo giống cây trồng, chiếu xạ bảo quản nông sản, đánh giá chất lượng các công trình… thậm chí giúp phân biệt, định tuổi các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên phần lớn công chúng chưa có cái nhìn đầy đủ về những ứng dụng này. Do đó, lần thứ tư tổ chức ngày hội KH&CN về ngành năng lượng nguyên tử, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM vẫn tập trung vào việc cung cấp cái nhìn toàn diện nhất về ứng dụng của nguyên tử trong đời sống.

Ngày KH&CN năm nay bao gồm chuỗi bài giảng, tọa đàm về các ứng dụng của công nghệ hạt nhân trong đời sống thường ngày, như “Ứng dụng phi năng lượng của Công nghệ hạt nhân” do TS Alla Udalova, Trường đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPHI) trình bày; “Biến đổi khí hậu: tin thật và tin giả” do TS Yulia Kuznetsova, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow giảng và “Năng lượng hạt nhân – một nguồn năng lượng sạch” của TS Olga Momot tại MEPHI. Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra buổi triển lãm ảnh và chiếu phim Wild Edens – dự án nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, chống lại nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Song song với các bài giảng đại chúng, học sinh phổ thông và sinh viên đại học Bách khoa cũng có cơ hội tập trung trải nghiệm các hoạt động hướng nghiệp bổ ích và những trò chơi tìm hiểu kiến thức về ngành hạt nhân.

Nhiều sinh viên Đại học Bách khoa tập trung về khuôn viên trước thư viện đại học này để đăng ký tham gia các tọa đàm và thử sức trước các trò chơi đố về năng lượng nguyên tử.


Tham quan triển lãm về các chương trình nghiên cứu về năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.


Sinh viên tham gia trò chơi "Du hành thời gian" - giải đáp câu đố về các mốc thời gian xảy ra các phát minh khoa học quan trọng.


Chơi cờ nguyên tử - trả lời các câu hỏi về năng lượng nguyên tử kết hợp cờ vây.


Mũi tên photon - cùng khám phá ứng dụng trong chữa trị bệnh.


Ném vòng - sinh viên nhận các câu hỏi về tương tác hạt và ném vòng để chọn đáp án.