Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI 2020) qua đánh giá của khu vực kinh tế tư nhân, số địa phương thuộc nhóm rất tốt không tăng, trong khi nhóm tốt và khá đều giảm một nửa.

Biểu đồ các thành phần đặc trưng của PCI với 63 tỉnh thành phố | Nguồn: Báo cáo PCI 2020
Biểu đồ các thành phần đặc trưng của PCI với 63 tỉnh, thành phố | Nguồn: Báo cáo PCI 2020

Sáng 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI 2020) dưới góc nhìn của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo năm nay khảo sát gần 12.300 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm hơn 10.700 doanh nghiệp tư nhân nội địa và 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI).

Kết quả, có 5 tỉnh được xếp vào nhóm rất tốt (Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng). Trong đó, Quảng Ninh là địa phương duy nhất vượt qua mốc 75/100 điểm trong hơn một thập kỷ qua, đồng thời là tỉnh thành dẫn đầu chỉ số PCI trong 4 năm liên tiếp trở lại đây. Năm ngoái, Quảng Ninh được chấm 73,4 điểm.

Được xếp vào nhóm tốt của năm nay có 5 tỉnh (Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội, Bắc Ninh), 19 tỉnh ở nhóm khá.

Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi đáp ứng 10 tiêu chí quan trọng gồm: (1) có chi phí gia nhập thị trường thấp; (2) tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; (3) môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; (4) chi phí không chính thức thấp; (5) thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, (6) thủ tục hành chính nhanh chóng; (7) môi trường cạnh tranh bình đẳng; (8) dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; (9) chính sách đào tạo lao động tốt; và (10) thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.

Trong số các tỉnh còn lại, 19 tỉnh ở nhóm khá, 32 tỉnh ở nhóm trung bình và 2 tỉnh ở nhóm tương đối thấp.

Như vậy, so với kết quả PCI năm 2019, số địa phương ở nhóm tốt và khá của năm 2020 đều giảm một nửa. Năm 2019, có 11 tỉnh ở nhóm tốt, 33 tỉnh ở nhóm khá, trong khi số nhóm rất tốt cũng là 5.

Ngoài ra, để đo lường sự cải thiện về chất lượng điều hành theo thời gian, các nhà lập báo cáo đã phát triển một công cụ thứ hai, đó là “Chỉ số PCI gốc,” được xây dựng từ một nhóm nhỏ hơn so với PCI tổng hợp kể trên, bao gồm 41 chỉ tiêu duy trì cố định xuyên suốt 15 năm qua (2006-2020)

Kết quả chỉ số PCI gốc cho thấy mức trung vị PCI được cải thiện theo thời gian, từ mức dưới 60 điểm giai đoạn 2006-2016 lên trên 60 điểm trong bốn năm trở lại. Dù vậy, điểm số PCI gốc của năm 2020 có sự giảm nhẹ so với kết quả của năm 2019, cho thấy cần phải kiên trì thực hiện các nỗ lực cải cách thực chất trong thời gian tới.

Biến đổi điểm số PCI và PCI gốc trong giai đoạn 2006-2020 | Nguồn: Báo cáo PCI 2020
Biến đổi điểm số PCI và PCI gốc trong giai đoạn 2006-2020 | Nguồn: Báo cáo PCI 2020

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối về cả điểm số PCI và PCI gốc ngày càng thu hẹp. Trong khi những cải thiện của nhóm tỉnh đứng cuối là tín hiệu đáng mừng thì dường như các thành tựu cải cách của nhóm tỉnh đứng đầu PCI mới chỉ dừng lại ở các lĩnh vực dễ cải cách (như giảm các rào cản gia nhập thị trường, giảm gánh nặng thủ tục hành chính....), theo nhận xét của báo cáo.

Báo cáo PCI 2020 đầy đủ và các kết quả phân tích sâu được cập nhật tại: https://pcivietnam.vn/