Theo ông Arkady Karneev (Giám đốc Truyền thông ROSATOM Châu Á), sự chấp thuận của công chúng là một yếu tố tác động đến sự phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân.

Sáng 19/5, buổi toạ đàm về ngành công nghiệp hạt nhân và điện hạt nhân đã diễn ra tại Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử (ICONE). Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về ngành khoa học và năng lượng hạt nhân chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Tham gia sự kiện có ông Andrey Stankevich, đại diện của ROSATOM tại Việt Nam, ông Arkady Karneev, Giám đốc Truyền thông của ROSATOM tại Đông Nam Á, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử Việt nam, Giáo sư Hà Mạnh Thư, Giám đốc Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử, cùng đại diện Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến ngành công nghiệp này.


Ông Arkady Karneev, Giám đốc Truyền thông của ROSATOM tại Đông Nam Á, thuyết trình về sự chấp thuận của công chúng với vấn đề điện hạt nhân.

Với kinh nghiệm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Nga và nhiều nước trên thế giới, ông Andrey Stankevich cho biết: “Giáo dục và phổ biến kiến thức tới người dân về lợi ích của điện hạt nhân là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người sẽ gánh vác trách nhiệm phát triển ngành năng lượng hạt nhân của nước nhà thành công và an toàn”.

Cũng trong buổi toạ đàm này, các diễn giả cũng cho rằng, sự đồng thuận của người dân là một trong những yếu tố quyết định đến việc triển khai Dự án điện hạt nhân hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh. Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền về việc phát triển điện hạt nhân nhằm nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của công chúng cần được đặc biệt coi trọng.

Trong bài thuyết trình của mình, ông Arkady Karneev cho biết: "Sự chấp thuận của công chúng là một yếu tố tác động đến sự phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân. Tại Đức, sự phán đối của người dân là nguyên nhân chính khiến nước này phải đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Ước tính thiệt hại từ sự ngưng hoạt động này tới nền kinh tế Đức tới năm 2020 vào khoảng 37 tỷ euro".

Trước đó, ngày 18/5, mở màn cho chuỗi sự kiện này là cuộc thi vẽ dành cho các em học sinh với chủ đề “Tương lai Việt Nam với điện hạt nhân”. Ngoài ra, khách mời và các em học sinh, sinh viên còn được thử sức với một chuỗi các hoạt động khoa học Vật lý vui, tương tác thực tế ảo với nhà máy điện hạt nhân, và các hoạt động giáo dục - khoa học khác.