Có những ngày từ sáng đến tối, A Mẻ chỉ ăn một gói mì tôm để có chi phí thực hiện đề tài khoa học về những cây thuốc quý. Kết quả em đã giành giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2016.

Là con thứ ba trong gia đình 9 người con ở xã Đứa Mòn, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã (Sơn La), Vàng A Mẻ đặt mục tiêu phải đi học đại học, phải có nhiều bằng khen để làm gương cho các em.Tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2016, A Mẻ là sinh viên duy nhất nghiên cứu độc lập giành giải nhất.

nam-sinh-nguoi-mong-an-mi-tom-danh-tien-nghien-cuu-khoa-hoc

Vàng A Mẻ quyết tâm giành nhiều bằng khen để làm gương cho các em cố gắng học tập. Ảnh: Thanh Tâm

A Mẻ chia sẻ, hàng ngày chứng kiến cảnh canh tác lạc hậu của người dân địa phương nên cậu quyết tâm thi vào ngành Nông học của Đại học Tây Bắc. Ngay từ năm nhất đại học, nam sinh người Mông đã chủ động đến gặp giảng viên xin làm đề tài nghiên cứu khoa học.

Cậu chọn đề tàiđiều tra thành phần loài cây thuốc bản địa và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của cộng đồng dân tộc Mông ở địa phươngbởithực tế bà con nơi cậu sống còn phá rừng làm nương nhiều khiến cây thuốc quý mất dần.Trong hơn hai năm, A Mẻ thu thập được 42 kinh nghiệm sử dụng cây thuốc. “Nhiều người nghĩ công việc này đơn giản, chỉ là nghe và ghi chép, nhưng thực sự rất khó khăn”, A Mẻ nói.

Ngoài việc nghiên cứu rất nhiều tài liệu, chàng trai sinh năm 1995 phải trực tiếp đi thực địa. Quãng đường từ trường tới xã Đứa Mòn dài 150 km. Mỗi người dân trong xã lại sống trên những quả đồi cách xa nhau khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Có hôm trời mưa, A Mẻ đi bộ qua mấy quả đồi với đường đất lầy lội và rất nhiều vắt. Đến nơi, gặp những ông lang bà mễ khó tính, không truyền kinh nghiệm sử dụng cây thuốc, cậu rất buồn.

“Họ không chia sẻ, em buồn lắm nhưng phải tìm mọi cách nài nỉ. Có hôm em phải ngồi cả ngày ở nhà một ông lang, trò chuyện với ông để ông hiểu em chỉ là một sinh viên Nông học, muốn tìm hiểu để ghi chép lại nhằm bảo tồn", A Mẻ nói và cho biết hầu hết ông lang bà mễ trong xã đều nghĩ em xin kinh nghiệm để phục vụ hoạt động thương mại.

Chi phí phục vụ nghiên cứu cũng là một trở ngại lớn đối với A Mẻ. Để nuôi 9 người con ăn học, bố mẹ đã phải vất vả quanh năm, em không thể xin thêm tiền cho hoạt động nghiên cứu khoa học của mình. “Thỉnh thoảng em đi phụ việc vào cuối tuần để có thêm thu nhập, nhưng không nhiều. Có nhiều hôm cả ngày em chỉ ăn một gói mì tôm để tiết kiệm tiền. Những lúc thiếu tiền quá thì cô hướng dẫn cho mượn", A Mẻ chia sẻ.

nam-sinh-nguoi-mong-an-mi-tom-danh-tien-nghien-cuu-khoa-hoc-1

Khoảnh khắc được trao giải nhất cuộc thi "Sinh viên nghiên cứu khoa học" là đáng nhớ nhất trong đời sinh viên của Vàng A Mẻ. Ảnh: Thanh Tâm

Tuy khó khăn nhiều nhưng A Mẻ cũng có nhiều kỷ niệm vui trong quá trình nghiên cứu khoa học. Trong một lần đi thực địa, em gặp người dân đi làm nương sơ ý phát dao khá sâu vào chân. Từ kinh nghiệm đã thu thập được, em dùng lá cây dây sữa đắp cho anh này. “Một tuần sau, vết thương lành hẳn, anh điện cảm ơn em rất nhiều. Đó là động lực rất lớn với em", A Mẻ nói.

TS Vũ Thị Liên, giảng viên hướng dẫn nghiên cứu khoa học, nhận xét A Mẻ hiền lành và chịu khó. Gia đình đặc biệt khó khăn nhưng em luôn cố gắng trong học tập. Ngay từ năm nhất, A Mẻ đã chủ động đến nhờ cô giúp nghiên cứu khoa học. Có lần cô cho A Mẻ một chiếc áo ấm cũ, em cảm ơn không dứt và rất quý chiếc áo đó vì bản thân không có nhiều quần áo đi học.

Với A Mẻ, cô Liên là người dẫn đường có ảnh hưởng lớn nhất đến việc học tập của em. Không chỉ hướng dẫn nghiên cứu khoa học, cô còn giúp em rất nhiều trong cuộc sống, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Nói về dự định tương lai, nam sinh người Mông cho biết sẽ tiếp tục phát triển đề tài nghiên cứu khoa học, thu thập thêm nhiều hơn những kinh nghiệm sử dụng cây thuốc quý để bảo tồn. Ngoài ra, A Mẻ đang thực hiện nghiên cứu nhân giống một số cây có nguy cơ tuyệt chủng, như cây ngũ gia bì gai.

Về tương lai xa, sau khi tốt nghiệp đại học, A Mẻ sẽ trở về quê hương, hướng dẫn bà con cách sản xuất nông nghiệp mới, cách canh tác bền vững trên đất dốc để thoát nghèo, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ tài nguyên rừng.