Ngoại trưởng Mỹ vừa tuyên bố sáng kiến y tế với các nước ASEAN, đặt nền móng cho quan hệ đối tác với trọng tâm mới là nghiên cứu chung, tăng cường năng lực y tế và đào tạo thế hệ cán bộ y tế kế tiếp tại ASEAN.

Ngày 23/4, trong cuộc họp trực tuyến giữa với ngoại trưởng các nước ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã phát đi tuyên bố cảm ơn các đối tác ASEAN vì sự hỗ trợ quý giá trong việc đẩy mạnh cung cấp các thiết bị y tế quan trong cho quốc gia này, cũng như hỗ trợ các chuyến bay hồi hương cho công dân Mỹ.

Từ đầu tháng 4 đến nay, Việt Nam đã hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục thông quan cho các chuyến bay nguyên chuyến vận chuyển 2,2 triệu bộ quần áo bảo hộ cá nhân sang Mỹ và sẽ tiếp tục hỗ trợ các chuyến hàng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) trong những tuần sắp tới. Malaysia cũng đã hỗ trợ đẩy nhanh việc vận chuyển hơn 1,3 triệu kilogram găng tay cho các nhân viên y tế Mỹ. Campuchia đã hỗ trợ công dân Mỹ trở về nhà an toàn từ tàu du lịch Westerdam.

Cũng trong dịp này, ông Michael Pompeo đã tuyên bố “Sáng kiến Tương lai Y tế Hoa Kỳ-ASEAN”. Sáng kiến mới này bao trùm các hoạt động hợp tác đã có và đang diễn ra giữa hai bên trong lĩnh vực y tế công cộng; đồng thời đặt nền móng cho quan hệ đối tác với trọng tâm mới là nghiên cứu chung, tăng cường năng lực y tế và đào tạo thế hệ cán bộ y tế kế tiếp tại ASEAN.

Cụ thể:

Nghiên cứu

Hoạt động hợp tác nghiên cứu Hoa Kỳ- ASEAN trong 10 năm gần đây bao gồm:

• Hơn 1.000 dự án nghiên cứu, trong đó có khoảng 300 dự án đang thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN với hơn 20 viện thuộc Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ;

• Hơn 30 triệu USD hỗ trợ nghiên cứu trực tiếp cho các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu công;

• Hỗ trợ cho các thử nghiệm phòng ngừa HIV, thử nghiệm thuốc Microbicide khử virus HIV, thử nghiệm lâm sàng điều trị AIDS, điều tra dịch tễ học về bệnh lao, thử nghiệm lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm.

Tăng cường năng lực hệ thống y tế

Hợp tác tăng cường năng lực hệ thống y tế giữa Hoa Kỳ-ASEAN bao gồm:

• Hỗ trợ chăm sóc và dịch vụ y tế chất lượng, cũng như tăng cường phạm vi bao phủ tới mọi người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất;

• Phát triển các quan hệ đối tác công-tư PPP nhằm tăng cường sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Quan hệ đối tác công-tư giữa USAID và các công ty của Mỹ đã giúp nâng cao khả năng phát hiện và điều trị bệnh lao, giúp hàng ngàn bệnh nhân ASEAN được tham gia điều trị bệnh lao và bệnh lao kháng thuốc;

• Phòng chống dịch HIV/AIDS. Nhờ những nỗ lực chung giữa Hoa Kỳ và các nước ASEAN, hơn 150.000 bệnh nhân hiện đang được điều trị bằng thuốc ARV. Việt Nam hiện đang dự kiến trở thành quốc gia đầu tiên trong chương trình cứu trợ khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS để có thể làm chủ hoàn toàn các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của mình trước cuối năm 2020, nhờ việc huy động nguồn lực trong nước và đảm bảo nguồn tài chính;

• Duy trì hỗ trợ cho ASEAN nhằm giảm thiểu bệnh sốt rét trong khu vực. Chẳng hạn, số lượng các ca nhiễm sốt rét tại Lào đã giảm 70% trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2017;

• Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) có hệ thống giám sát và báo cáo bùng phát dịch bệnh cũng như nguy cơ dối với các động đồng trên toàn thế giới. Trong giai đoạn 2014-2019, trung tâm đã đưa ra thông tin về 44 đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong khu vực ASEAN, giúp giảm nguy cơ lây lan của các bệnh này;

• USAID đang phối hợp với Ban thư ký ASEAN xây dựng một hệ thống điều phối y tế công cộng khẩn cấp để tập hợp các cơ chế hiện có trong ASEAN nhằm chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp mới nổi.

Phát triển nguồn nhân lực y tế

Các nỗ lực chung của Hoa Kỳ và ASEAN bao gồm:

• Mạng lưới cựu sinh viên trong khuôn khổ sáng kiến Tương lai Y tế Hoa Kỳ-ASEAN sẽ kết nối 2.400 học gia, cựu sinh viên ngành y của ASEAN để chia sẻ những thực hành tốt nhất và trực tiếp phối hợp với các chuyên gia Hoa Kỳ;

• Hỗ trợ y bác sĩ, thực tập sinh về y tế cộng đồng và sinh viên các ngành khoa học ở ASEAN được tham gia các chương trình trao đổi giáo dục Fulbright, chương trình lãnh đạo toàn cầu cũng như các chương trình trao đổi công dân khác với Hoa Kỳ;

• Đào tạo cho hơn 1.300 chuyên gia phát hiện dịch bệnh trên toàn ASEAN nhằm theo dấu dịch bệnh, nghiên cứu các đợt bùng phát dịch và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế;

• Xây dựng các mạng lưới đại học một sức khỏe (tại 4 quốc gia trong khu vực) nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực y tế nhằm ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm. Kể từ năm 2014 đến nay, mạng lưới đã đào tạo được hơn 10.000 sinh viên và chuyên gia y tế

• Thúc đẩy khám chữa bệnh từ xa và bệnh án điện tử để hỗ trợ thành phố và cán bộ y tế cung cấp dịch vụ, thông tin một cách hiệu quả.

Trước đó một ngày, Mỹ tuyên bố cấp một khoản tài trợ y tế khẩn cấp mới cho các nước ASEAN trị giá 35,3 triệu USD để chống lại dịch COVID-19. Trước đó, các nước ASEAN (trừ Brunei, Malaysia, và Singapore) đã nhận đượckhoản hỗ trợ y tế và nhân đạo khẩn cấp của Mỹ trị giá khoảng 18,3 triệu USD, kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu cho đến cuối tháng 3. Trong hơn 20 năm qua, Mỹ đã đầu tư hơn 3,5 tỷ USD cho các mục tiêu y tế chung thông qua hợp tác với các nước ASEAN.