Bằng chứng mới cho thấy một loài muỗi xâm lấn từ châu Á đang truyền bệnh sốt rét ở nhiều nước châu Phi.

Ở châu Phi, nơi chiếm tới 95% trong số 627.000 ca tử vong vì sốt rét trên toàn thế giới vào năm 2020, nhóm muỗi Anopheles gambiae chiếm số lượng áp đảo, truyền ký sinh trùng nhiều nhất ở các vùng nông thôn.

Trong khi đó, muỗi Anopheles stephensi - từ lâu đã trở thành nguồn lây lan sốt rét chủ yếu ở các thành phố của Ấn Độ và Iran - có thể đẻ trứng vào nguồn nước đô thị, đồng nghĩa với việc nó có thể phát triển vào mùa khô. Nó cũng có khả năng kháng lại các thuốc diệt côn trùng thường dùng.

Nghiên cứu mô hình năm 2020 phát hiện, nếu muỗi Anopheles stephensi lan rộng ở châu Phi, nó sẽ khiến hơn 126 triệu người ở 44 thành phố có nguy cơ mắc sốt rét.

Djibouti là nước châu Phi đầu tiên phát hiện ra Anopheles stephensi vào năm 2012. Nước này đã tiến rất gần đến việc xóa sổ bệnh sốt rét với chỉ 27 trường hợp được báo cáo trong năm đó. Tuy nhiên, số ca đã tăng vọt kể từ khi muỗi Anopheles stephensi xuất hiện, lên đến 73.000 ca trong năm 2020, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Mới đây, các nhà nghiên cứu cung cấp những bằng chứng đầu tiên cho thấy đợt bùng phát bệnh sốt rét ở Ethiopia đầu năm nay là do Anopheles stephensi. Năm 2019, số ca ở Ethiopia chỉ có 205, nhưng tới năm nay, con số đó đã tăng lên 2.400 ca trong khoảng từ tháng Một tới tháng Năm. Đợt bùng phát này chưa từng có tiền lệ bởi vì nó xảy ra vào mùa khô, thời điểm hiếm khi xuất hiện dịch sốt rét.

Khi số ca tăng lên, nhà sinh học phân tử Fitsum Girma Tadesse tại Viện Nghiên cứu Armauer Hansen, Ethiopia, cùng các nhà nghiên cứu khác đã vào cuộc để điều tra. Họ đã tìm ra thủ phạm là muỗi Anopheles stephensi, đồng thời phát hiện muỗi mang bệnh sốt rét trong các bể chứa nước. Ông cảnh báo muỗi thích đẻ trứng ở các bể chứa nước mở, thứ phổ biến trên khắp các thành phố ở châu Phi.

Tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Hoa Kỳ được tổ chức Seattle, họ đã trình bày nghiên cứu chưa được bình duyệt này.

Một số phát hiện sớm cũng được trình bày tại hội nghị này, cho biết muỗi Anopheles stephensi xuất hiện tại 64% trong số 60 địa điểm được kiểm tra ở 9 bang của Sudan.

Hmooda Kafy, người đứng đầu bộ phận quản lý lồng ghép phòng chống véc-tơ tại Bộ Y tế Sudan, cho biết: “Trong một số trường hợp, chúng tôi phát hiện ra tới 94% hộ gia đình có muỗi stephensi”.

Phát hiện này được đưa ra sau khi Viện Nghiên cứu Y khoa Nigeria xác nhận vào tháng Bảy rằng, họ đã phát hiện Anopheles stephensi lần đầu tiên ở Tây Phi.

Theo WHO, Anopheles stephensi còn được phát hiện ở Somalia và vào tháng Chín, WHO đã triển khai sáng kiến nhằm ngăn chặn sự lây lan của loài muỗi này ở châu Phi.

Do Anopheles stephensi có thể phát triển mạnh trong các bể chứa nước ở đô thị, bệnh có thể tồn tại quanh năm. Sự thay đổi này gây ra "mối đe dọa lớn" đối với những thành tựu chống lại bệnh sốt rét gần đây.

Tử vong do sốt rét đã giảm hơn một nửa từ đầu thế kỷ đến năm 2017 - phần lớn nhờ màn chống muỗi tẩm thuốc diệt côn trùng, xét nghiệm và thuốc - trước khi tiến trình này bị trì hoãn trong đại dịch COVID-19.

Màn phun thuốc diệt côn trùng là công cụ quan trọng để chống lại dịch sốt xuất huyết
Màn tẩm thuốc diệt côn trùng là công cụ quan trọng để chống lại bệnh sốt rét.

Sarah Zohdy, chuyên gia Anopheles stephensi tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, kêu gọi tăng cường giám sát để tìm hiểu chính xác muỗi Anopheles stephensi đã lan rộng khắp châu Phi như thế nào.

Nguồn: