Mức tăng tỉ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp hiện nay chỉ đạt một nửa so với mục tiêu đề ra trong chiến lược chăn nuôi ban hành cách đây 10 năm.

Kết quả này đã được báo cáo trong "Hội thảo lấy ý kiến đánh giá kết quả thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040" do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức vào ngày 24/10.

Khẳng định tầm quan trọng của chăn nuôi trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết tỉ trọng chăn nuôi là tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ phát triển của nông nghiệp mỗi quốc gia. "Lợi nhuận từ sản phẩm chăn nuôi thường cao hơn trồng trọt, ở các nước có nền nông nghiệp phát triển như Hoa Kỳ hoặc một số quốc gia châu Âu, tỉ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm khoảng 80%". Mặc dù nền nông nghiệp ở mỗi nước đều có đặc điểm riêng, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác,... việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng chăn nuôi là xu hướng chung hiện nay. "Trồng trọt hiện nay đã đến ngưỡng rồi, trong khi địa hạt dành cho chăn nuôi còn rất rộng", ông nói.

Trên cơ sở đó, Chiến lược Phát triển chăn nuôi do Chính phủ ban hành năm 2008 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỉ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp Việt Nam sẽ tăng thêm 22%, lên 42%. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của Cục Chăn nuôi, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp hiện nay chỉ đạt khoảng 30%, tức mới tăng thêm được 10% so với năm 2008, đạt một nửa kỳ vọng.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: vnanet

Rào cản nguyên liệu vật tư đầu vào

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, mục tiêu này chưa đạt được vì phần lớn các địa phương phát triển nông nghiệp đều ưu tiên tập trung đầu tư cho trồng trọt thay vì chăn nuôi.

"Ở các khu vực như Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long, chăn nuôi chỉ chiếm 15-20% trong cơ cấu nông nghiệp", ông cho biết. Trong 10 năm qua, nhìn chung giá trị sản xuất chăn nuôi có xu hướng tăng nhưng "trồng trọt còn tăng cao hơn nhiều".

Ngoài ra, một số nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi chưa thể "cất cánh" là trong giai đoạn 2008-2018, hành lang pháp lý trong lĩnh vực này chưa thực sự đầy đủ và thống nhất, gây khó khăn cho việc phát triển chăn nuôi. Đơn cử như các quy quy định về giống gốc trong chăn nuôi thể hiện ở nhiều văn bản nên các đơn vị thường gặp khó khăn trong áp dụng thực tế, ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Bên cạnh đó, ông Dương nhận xét, chi phí sản xuất sản phẩm chăn nuôi hiện nay còn cao do phần lớn nguyên liệu vật tư đầu vào cho chăn nuôi phải nhập khẩu. Trong khi các sản phẩm trong nước chưa đa dạng về chủng loại, chưa có nhiều khác biệt về chất lượng dinh dưỡng cũng như chất lượng cảm quan nên chưa có lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm chăn nuôi nước ngoài.