Sau 1 năm gọi vốn hoàn toàn bằng hình thức online, thay vì gặp mặt trực tiếp như những vòng trước, Momo đã thuyết phục được 6 quỹ đầu tư trên thế giới đồng ý rót tiền.

Trong Lễ Công bố gọi vốn thành công của Momo diễn ra sáng nay (13/1), đại diện của công ty này cho biết 6 quỹ rót tiền cho vòng gọi vốn thứ 4 là Goodwater Capital, Kora Management, Macquarie Capital, Warburg Pingus, Tybourne Capital, Affirma Capital. Tổng số tiền đầu tư được ví điện tử này giữ kín.

Nguồn vốn mới huy động sẽ được sử dụng để xây dựng nền tảng siêu ứng dụng (super app) mới, nâng cấp hệ sinh thái của Momo nhằm phục vụ hàng chục triệu người dùng, đối tác kinh doanh tại Việt Nam.

"Momo muốn xây dựng sản phẩm đủ tốt để khách hàng thấy vui và hạnh phúc" - ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch Điều hành và đồng Tổng giám đốc của Momo, nhấn mạnh. Vì vậy, một trong những kế hoạch của đơn vị này là xây dựng một research lab để nghiên cứu sâu về công nghệ học sâu và trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đặt mục tiêu ví điện tử Momo có thể tích hợp thêm các dịch vụ tài chính khác như bảo hiểm, ngân hàng... để thay đổi cách tiếp cận tài chính của người dân.

Đại diện Momo công bố danh sách các nhà đầu tư của vòng gọi vốn series D. Ảnh: Momo
Đại diện Momo công bố danh sách các nhà đầu tư của vòng gọi vốn series D tại Lễ Công bố diễn ra sáng nay 13/1. Ảnh: Momo

Ông Nguyễn Mạnh Tường, chia sẻ thêm: "Khoản đầu tư này không chỉ thể hiện sự công nhận của các nhà đầu tư đối với những thành tựu chúng tôi đã đạt được mà còn thể hiện niềm tin của những nhà đầu tư vào tầm nhìn của Momo. Đó là cung cấp cho người dân Việt Nam khả năng tiếp cận những dịch vụ thanh toán di động dễ dàng với chi phí thấp nhất. Vốn đầu tư và các nguồn lực của nhà đầu tư sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh tốc độ phát triển của Momo và giúp công ty củng cố vị thế số 1 trên thị trường cũng như nắm bắt được những cơ hội rộng mở trong tương lai".

Trong năm 2020, dù gặp phải những khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch nhưng Momo vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể, số khách hàng đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, từ 10 triệu người dùng lên 23 triệu, tổng giá trị xử lý trên hệ thống cũng tăng 3,5 lần, đạt 14 tỷ USD.

Vòng gọi vốn này được Momo thực hiện trong suốt 1 năm qua theo hình thức online hoàn toàn. Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch Momo, chia sẻ: "Chúng tôi đã không cần thực hiện bất cứ chuyến bay nào như các vòng gọi vốn trước đó, không có bất cứ cuộc gặp gỡ nào hay tiếp đón nào nhưng cuối cùng vẫn gọi gọi vốn thành công".

Để đi đến quyết định, các nhà đầu tư phải thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn với khách hàng đối tác của Momo về sản phẩm, vai trò của Momo. Đại diện Momo cũng tiết lộ, các nhà đầu tư đã đưa ra những bản điều tra thị trường fintech Việt Nam, phân tích về Momo sâu sắc, chi tiết đến mức không thể ngờ được.

"Khi thực hiện phỏng vấn với đối tác và người dùng của Momo, họ đều nói với tôi rằng họ không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình sẽ thế nào nếu như không có Momo. Điều ấy cho thấy Momo đã hiện diện trong cuộc sống của người Việt và khiến chúng tôi quyết định phải đầu tư vào Momo" - ông Eric Kim, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Goodwater Capital, chia sẻ.

Ông Trần Đức Kiên (áo vest xám đứng giữa) cùng với các nhà
Ông Nguyễn Đức Kiên (áo vest xám đứng giữa) -Tổ trưởng Tổ Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... và các lãnh đạo của Momo giới thiệu các nhà đầu tư mới tại Lễ Công bố diễn ra sáng nay 13/1. Ảnh: Momo.

Bên cạnh đó, khoảng 20% số tiền đầu tư sẽ được Momo sử dụng để ra mắt Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Momo nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo phát triển và tìm thị trường thông qua việc kết nối với hệ sinh thái có lượng người dùng lớn của Momo.

Trong 2 năm tới, mục tiêu của Momo là có 50 triệu khách hàng. Kế hoạch IPO cũng đang được công ty chuẩn bị.