Với sự giúp đỡ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang triển khai Mạng lưới IP-Hub (Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ) trong các trường đại học, viện nghiên cứu.

Mục tiêu của dự án là thúc đẩy việc bảo vệ quyền SHTT và thương mại hóa tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT - đã chia sẻ thông tin này bên lề chuyến thăm Việt Nam của ông Francis Gurry - Tổng Giám đốc WIPO.

Nhiều ý kiến cho rằng lượng sáng chế của Việt Nam ít một phần do vai trò của SHTT chưa được đánh giá đúng mức, các chủ thể sáng tạo thiếu kỹ năng khai thác thông tin, hệ thống dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp còn quá yếu và thiếu. Việc lập mạng lưới IP – Hub ở Việt Nam có thể hỗ trợ hạn chế điều này như thế nào, thưa ông?

Có thể hiểu hoạt động của IP- Hub chính là dựa vào nền tảng, lợi thế của SHTT, khi các chủ thể có sáng chế, giải pháp hữu ích có triển vọng được tư vấn phát triển, thương mại hóa và thu lợi nhuận tài chính để phát triển hơn nữa.

Để làm được như vậy, Cục SHTT cùng WIPO triển khai các hoạt động của mạng lưới. WIPO hỗ trợ trang bị kiến thức cho các thành viên mạng lưới qua tập huấn, đào tạo. Cục cung cấp, hướng dẫn cách khai thác các công cụ của kho dữ liệu để rút ngắn thời gian, công sức, tiền của cho các nhà nghiên cứu, tạo ra những sáng chế có khả năng thương mại hóa cao.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm. Ảnh: Loan Lê

Đặc biệt, mạng lưới IP-Hub tập trung vào những tổ chức nghiên cứu có giải pháp công nghệ để thúc đẩy khai thác thương mại hoặc chuyển giao công nghệ các giải pháp đó. Thông qua đào tạo, từng thành viên sẽ trở thành chuyên gia, sau này có thể tư vấn, hỗ trợ, kết nối với các chủ sở hữu sáng chế để hoàn thiện, phát triển sản phẩm, tiến tới đưa ra thị trường. Hiện cả nước đã có 28 đơn vị mong muốn được tham gia mạng lưới này.

Tại sao cần có đội ngũ trung gian này, thưa ông?

Có thể thấy rõ khó khăn lớn nhất hiện nay là các nhà nghiên cứu đang thiếu dữ liệu về sáng chế. Có thể truy cập cơ sở dữ liệu sáng chế của Việt Nam trên trang web của Cục SHTT, song hiện số lượng sáng chế còn rất ít. Cơ sở dữ liệu của thế giới rất lớn, nhưng không phải ai cũng có thể khai thác do thiếu năng lực chuyên môn, nguồn lực tài chính (muốn khai thác cơ sở dữ liệu thương mại, phải trả tiền), do rào cản về ngoại ngữ...

Với những cơ sở dữ liệu tra cứu miễn phí, mỗi công cụ tra cứu được thiết kế theo cách riêng chứ không theo khuôn mẫu chung nên người khai thác phải nắm chắc kiến thức và kỹ năng tra cứu. Trong hơn 100 triệu sáng chế, người sử dụng phải có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực để tìm kiếm thông qua chỉ số phân loại quốc tế sáng chế, qua các từ khóa hoặc tổ hợp để tìm trúng sáng chế mình cần.

Chúng tôi kỳ vọng tất cả những hạn chế này sẽ được khắc phục khi mạng lưới IP - Hub phát triển rộng, mỗi thành viên trở thành chuyên gia về SHTT, đủ khả năng hỗ trợ kết nối để thúc đẩy gia tăng số đơn đăng ký sáng chế của Việt Nam.

Ngoài IP-Hub, WIPO còn có sự hợp tác gì với Việt Nam, thưa ông?

Hoạt động hợp tác, hỗ trợ về SHTT giữa WIPO với Cục SHTT và một số cơ quan khác của Việt Nam luôn được duy trì. Cụ thể, WIPO vẫn tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật theo hướng nâng cao năng lực, hiện đại hóa hệ thống quản trị cơ quan SHTT, nâng cấp cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu, thương mại hóa tài sản trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức công chúng.

Đặc biệt, WIPO sẽ hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT. Sau khi thỏa thuận được ký kết, các chuyên gia WIPO sẽ sang Việt Nam để cùng nhóm chuyên gia trong nước khảo sát thực trạng SHTT tại Việt Nam, thảo luận và xây dựng các định hướng chiến lược về SHTT, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ trong năm 2017.

Xin trân trọng cảm ơn ông!