Dù có tiềm năng nhưng Việt Nam đa số làm gia công. Tỉ lệ nội địa hóa trong công nghệ chế tạo ôtô mới chỉ đạt 5-20%, điện tử từ 5-10%, da giầy, dệt-may chỉ khoảng 3%, công nghệ cao mới chỉ đạt 2%.

Hội thảo "Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo" đã diễn ra ngày 1/7 tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 150 đại biểu. Ông Phùng Quốc Hiển - Ủy viên BCH Trung ướng Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh... tham dự và chủ trì hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phùng Quốc Hiển - Ủy viên BCH Trung ướng Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là ngành có vị trí đặc biệt quan trọng và đã đạt được những tiến bộ nhất định. Một số sản phẩm trước đây phải nhập khẩu đến nay từng bước được thay thế, tỉ lệ nội địa hóa đạt mức độ cao. Đặc biệt là sự đóng góp lớn của KH&CN.
Hội thảo "KH&CN thúc đẩy phát triển công nghệ hỗ trợ và cơ khí chế tạo" sáng 1/7. Ảnh: Doãn Tấn
Hội thảo "KH&CN thúc đẩy phát triển công nghệ hỗ trợ và cơ khí chế tạo" sáng 1/7. Ảnh: Doãn Tấn

Cho đến nay, hàng trăm chủng loại sản phẩm cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ xuất phát từ hoạt động nghiên cứu KH&CN đã được ứng dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị điện, các doanh nghiệp đã có khả năng thiết kế chế tạo động cơ công suất đến 5MW, các chủng loại biến áp đến 500kV, chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại châu Âu. Với thành công này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nước thuộc Đông Nam Á có khả năng chế tạo các máy biến áp công suất lớn, đáp ứng yêu cầu của đất nước, tiến tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT, Trưởng đoàn giám sát - nêu số liệu báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ thành phố Hà Nội, tình hình sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhỏ bé, tỉ lệ nội địa hóa trong công nghệ chế tạo ôtô mới chỉ đạt 5-20%, điện tử từ 5-10%, da giầy, dệt-may chỉ khoảng 3%, công nghệ cao mới chỉ đạt 2%.

"Cơ khí chế tạo chưa đóng vai trò là ngành công nghiệp nền tảng, chưa có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, chưa có công nghệ hiện đại để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản của đất nước nhất là chưa tương xứng với tiềm năng trí tuệ Việt Nam" - ông Hiển chỉ rõ.

Ông Hoàng Văn Minh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Diezen Sông Công - chỉ ra một thực tế: Trong quá trình sản xuất, công ty Sông Công là nơi có nhiều đề tài KH&CN được thực hiện và khi thực hiện công ty mong muốn những đề tài đó được quay lại và phát triển thành sản phẩm nhưng cho đến nay rất hiếm những đề tài đấy được quay trở lại phục vụ cuộc sống.

Ông kiến nghị: "Tôi nghĩ cần có những điều chỉnh kịp thời để cho những đề tài khoa học được gần gũi với doanh nghiệp hơn nữa. Tôi mạnh dạn đề nghị Bộ Công Thương có những tổng công ty có kinh nghiệm giúp cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ có những định hướng trong sản xuất".

Muốn vậy, theo ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN - cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất cao giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình chỉ đạo, thực hiện các cơ chế chính sách; lựa chọn và xây dựng thí điểm doanh nghiệp tiên phong có đủ năng lực, tiềm lực để hỗ trợ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, các sản phẩm quốc gia thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo; chú trọng ưu tiên chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong các dự án FDI phụ vụ phát triển sản xuất của ngành cơ khí chính xác, vật liệu phụ trợ cho ngành ô tô, điện tử, dệt-may, da-giầy...